Hầu như không có vị thế trên thị trường cũng như trong mắt cty niêm yết, nhà đầu tư, sau hơn một năm vận hành, có lẽ hoạt động của sàn UPCoM cần phải được tính toán lại…
Ảnh minh họa. |
Sau hơn 1 năm vận hành, kể từ ngày 24/6/2009, sàn UPCoM hiện có 88 cổ phiếu, tổng vốn điều lệ đạt hơn 9.365 tỷ đồng, tổng giá trị vốn hóa hơn 13.899 tỷ đồng. Tính bình quân toàn thị trường, vốn điều lệ các DN lên UPCoM là 111 tỷ đồng/công ty, trong đó có tới 21/88 công ty có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng (điều kiện cần để niêm yết trên HOSE).
Con số này cho thấy, quy mô của doanh nghiệp trên UPCoM không thua kém các sàn niêm yết. Thế nhưng, khối lượng và giá trị giao dịch trên sàn UPCoM luôn ở mức rất thấp.
Thậm chí, có 5 mã không có giao dịch nào kể từ khi chào sàn đến nay là HPL (133 phiên), REM (121 phiên), VKD (88 phiên), VIA (82 phiên), GER (55 phiên).
Thực ra, ngay từ khi mới đi vào vận hành, UpCom đã thu hút được kỳ vọng không nhỏ của các nhà đầu tư vốn trước đó chỉ quen lướt sóng bên ngoài bằng “niềm tin nội tâm mãnh liệt”. Thế nhưng, sau một thời gian, những vấn đề của cơ chế quản lý và vận hành sàn khiến nhà đầu tư mất sự quan tâm, khiến UpCoM trở thành thị trường “bên lề” của thị trường chứng khoán vốn đang trong giai đoạn khó khăn.
Dù được tổ chức thành sàn, nhưng thông tin trên sàn UpCoM khá tù mù, bởi cơ chế công bố lỏng lẻo. Các DN trên UPCoM, ngoài việc phải công bố thông tin bất thường, chỉ phải thực hiện công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán và báo cáo thường niên. Trong khi đó, các cty chứng khoán lại không mặn mà đối với cổ phiếu trên UPCoM.
Rõ ràng đã đến lúc cần có sự cải tổ lớn đối với sàn UpCoM, để sự tồn tại của nó thực sự hữu ích và có ý nghĩa đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thu Hường