Đầu tháng 12/2016, lần đầu tiên tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dành trọn một ngày để đối thoại với DN đã, đang và sẽ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tham dự buổi đối thoại có sự hiện diện nhiều tên tuổi lớn như Dabaco, Ba Huân, Minh Phú, VinEco, Việt - Úc, Intermex, PAN Group, Doverco, Nafoods, Hòa Phát…
Ưu đãi cho DN nông nghiệp quá thấp
Quản lý một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành xuất khẩu rau quả, liên kết sản xuất với nông dân trải khắp nước từ Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, ông Đinh Cao Khuê - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN chế biến nông sản khi đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc, thiết bị hoặc phát triển giống cây trồng nguồn vốn vay với lãi suất thấp khoảng 5% và thời gian cho vay đầu tư tối thiểu khoảng 12 năm, đồng thời mở ra và tạo điều kiện cho các DN chế biến nông sản cơ chế vay vốn tín chấp.
Nghe DN này trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cắt ngang, hỏi: “Hiện công ty của anh Khuê đang phải vay với lãi suất bao nhiêu?”. “8 - 10% thưa Bộ trưởng”, ông Khuê trả lời. “Vậy đó là cao hay thấp?”, Bộ trưởng Cường hỏi tiếp. Nghe đến đây, tất cả các DN có mặt tại buổi đối thoại đều đáp: “Đó là mức lãi suất quá cao!”. Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận ý kiến của các DN và cho biết sẽ làm việc cụ thể với các bộ, ngành liên quan.
Ở khía cạnh đơn vị đang chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Tập đoàn GFS đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Có chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, nhất là chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp mà hiện nay Chính phủ đang áp dụng thí điểm tại 13 tỉnh, thành với 3 loại sản phẩm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong các trang trại, doanh nghiệp nhỏ.
Bên cạnh đó, cần có gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất.
Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính doanh nghiệp của họ và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại… không có đủ điều kiện tự đào tạo nguồn nhân lực.
Đại diện GFS cũng đề nghị Bộ cần xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp thống nhất ở tầm quốc gia sẵn sàng cung cấp các thông tin hỗ trợ để những nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp mới chân ướt, chân ráo vào thực hiện các dự án nông nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng.
“Điểm nghẽn ở các Vụ, Cục”
Nói về chính sách đầu tư vào nông nghiệp, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng, mặc dù những năm qua ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực để ban hành những chính sách phát triển nông nghiệp thế nhưng, điểm yếu của chính sách là chưa có một bộ chính sách cụ thể dẫn đầu cho từng ngành hàng.
Bà Hương đơn cử, đối với ngành sữa thì nên ban hành cho nó một bộ chính sách riêng, trong bộ chính sách ấy sẽ bao gồm cả chính sách đất đai, thuế, khoa học công nghệ... Bà Hương ví dụ tại Nga, khi DN bà sang đầu tư gần như không phải tìm đất đai, quy chuẩn hay các lĩnh vực khác mà tự họ sẽ mang đất đai, bộ chính sách cho DN. Cũng theo bà Hương, người đứng đầu ngành rất quyết liệt nhưng phía dưới các Cục, Vụ vẫn còn những thủ tục gây khó khăn phiền hà cho DN. “Bộ trưởng rất tốt nhưng điểm nghẽn là ở các Vụ, Cục”, Chủ tịch Tập đoàn TH nói.
Bà Thái Hương cũng than phiền với Bộ trưởng Cường rằng: Trong khi, chúng ta chưa có những bộ chính sách riêng cho các ngành hàng thì một vấn đề quan trọng đó là sự thiếu liên kết giữa các Bộ ban ngành còn rời rạc. Đơn cử như sự liên kết giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công thương trong việc quản lý phân bón, liên kết giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Y tế trong quy chuẩn sữa tươi, giữa Bộ KH&CN với Bộ NN&PTNT… Sự thiếu liên kết này đang vô hình trung đẩy DN vào thế khó, “chạy” theo chính sách, phục vụ chính sách chứ không phải chính sách phục vụ DN.
Tại buổi đối thoại, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình cũng cho hay, hiện nay các DN đầu tư vào nông nghiệp đang gặp phải hàng loạt khó khăn.
Thứ nhất về thuế, các DN khi đầu tư vào nông nghiệp có rủi ro lớn, lợi nhuận ít nhưng chính sách về thuế thu nhập DN lại giống nhau, bằng với các ông siêu lợi nhuận. Theo ông Báo, đây là chính sách không công bằng cho các DN nông nghiệp. Do vậy, chính sách về tín dụng, về thuế cho nông nghiệp phải khác với chính sách chung theo hướng tạo điều kiện cho nông dân.
Thứ hai về cải cách hành chính, theo ông Báo, nếu các DN đầu tư dự án nhỏ, từ một đến vài tỷ thì thủ tục cũng khiến nhiều DN hụt hơi. Thứ ba về thanh kiểm tra. Một DN phải tiếp đủ các loại thanh tra. “Hôm nay, Thanh tra Thuế, hôm sau đất, hôm sau nữa bảo hiểm rồi quản lý chất lượng… thủ tục chồng chéo, khiến DN chóng mặt”, ông Báo dẫn chứng.
Thứ tư, về tích tụ đất đai. Theo ông Báo, đất đai rộng hay hẹp không là vấn đề quá quan trọng, quan trọng là tư duy sử dụng đất đai của người sử dụng như thế nào. Ví như ở Israel cánh đồng của họ không lớn nhưng họ vẫn rất thành công.
Ông Báo cho biết, lợi thế nhất của Việt Nam là nông nghiệp, do vậy để “chắp thêm cánh” cho các DN nông nghiệp, ông đề xuất các chính sách cho nền kinh tế nên đi theo hướng tạo điều kiện cho DN. Bên cạnh đó, DN cần liên kết với DN, đồng thời xây dựng liên kết giữa DN và các Viện nghiên cứu của nhà nước nhằm tạo thành mối liên kết bổ sung, hỗ trợ nhau.