Ưu đãi thuế, phí ở mức cao nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp

(PLO) - Nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông nghiệp (NN), nâng cao đời sống nông dân,  thời gian qua, pháp luật về thuế đã quy định ưu đãi ở mức cao nhất đối với lĩnh vực NN…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bãi bỏ hàng loạt khoản phí, lệ phí

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các loại phí, lệ phí trong lĩnh vực NN, nhằm giảm thủ tục hành hành chính, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN), đầu tư vào NN, nông thôn (NT).

Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 đã chuyển sáu khoản phí trong lĩnh vực NN theo quy định tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ (gồm thủy lợi phí; phí kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi; phí kiểm nghiệm thuốc thú y; phí kiểm định, khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; phí chẩn đoán thú y).

Đồng thời, bãi bỏ chín khoản lệ phí trong lĩnh vực NN, theo quy định tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP (gồm: lệ phí cấp chứng nhận kết quả giám sát khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng; lệ phí cấp phép SXKD thuốc thú y; lệ phí cấp phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề SXKD thuốc bảo vệ thực vật; lệ phí cấp giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; lệ phí cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt đối với động vật quý hiếm và sản phẩm của chúng).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 75/NQ-CP và và Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp giảm chi phí cho DN, Bộ Tài chính đã có nhiều thông tư hướng dẫn về chính sách phí, lệ phí với mục đích tiết kiệm chi phí đầu vào cho DN SXKD trong lĩnh vực NN. Bộ Tài chính đã chủ động có 3 công văn (7923/BTC-CST, 10705/BTC-CST và 11316/BTC-CST) gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát một số khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí đầu vào của DN.

Giảm thu nhiều khoản phí, lệ phí

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tài chính đã ban hành một số thông tư điều chỉnh giảm mức thu một số khoản phí.

Thông tư 09/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư  284/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản. Theo đó, điều chỉnh giảm hai khoản phí: Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư nuôi trồng thủy sản nhập khẩu; Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm vật tư nuôi trồng thủy sản.

Triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Về mức thu, giảm mức thu ba khoản phí: Phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá: công bố lần đầu từ 500.000 đồng xuống 200.000 đồng (giảm 60%); công bố lại từ 300.000 đồng xuống 100.000 đồng (giảm 67%).

Phí thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu đó là: đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng từ 32 triệu đồng xuống 28,5 triệu đồng (giảm 11%); đánh giá lại từ 22,5 triệu đồng xuống 20,5 triệu đồng (giảm 09%).

Phí thẩm định kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế từ 1,2  triệu đồng xuống 1,1 triệu đồng (giảm 08%).

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT xây dựng, hoàn chỉnh và trình Chính phủ ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, NT (thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, NT); trong đó đã lồng ghép và rút gọn thủ tục hành chính đối với DN đầu tư vào NN, NT nhằm rút ngắn thời gian, giảm thủ tục hành chính và tăng khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi đầu tư của DN.

Đọc thêm