Ưu tiên phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở vùng khó khăn

(PLVN) -Sáng 12/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Toạ đàm lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. 
Ưu tiên phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở vùng khó khăn

Sau 14 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng 2006 hiện cả nước có 2.700 công chứng viên đang hành nghề tại 1.098 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 118 Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp do Nhà nước thành lập và 980 Văn phòng công chứng do các công chứng viên đề nghị và được Nhà nước cho phép thành lập. Hoạt động công chứng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, an toàn và ổn định trật tự của đất nước, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động công chứng trong đời sống xã hội, đồng thời là công cụ phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương xã hội hoá công chứng, phát triển các Văn phòng công chứng mang tính “tự phát”, một số địa phương phát triển nóng, phân bố không hợp lý dẫn tới việc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc yêu cầu công chứng. Một số tổ chức hành nghề công chứng trên cùng địa bàn cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, chất lượng, uy tín nghề công chứng. Do vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết chính sách phát triển nghề công chứng là cần thiết.

Tại buổi Toạ đàm, các đại biểu tham dự đã nêu ra những bất cập, hạn chế trong hoạt động hành nghề công chứng đồng thời đưa ra những ý kiến, đề xuất có liên quan như nâng cao chất lượng đào tạo nghề công chứng; phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xác định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương… 

Kết luận Toạ đàm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghề công chứng, đặc biệt là vai trò thúc đẩy nền kinh tế xã hội. Do đó, nghề công chứng cần phát triển đúng định hướng, có sự kiểm soát, chủ động và tích cực từ phía Nhà nước, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp của công chứng viên cũng như các tổ chức hành nghề, để nâng cao hiệu quả chất lượng nghề công chứng và đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững nghề công chứng tại Việt Nam. 

 

Về các chính sách phát triển nghề công chứng, Thứ trưởng đồng tình với việc phát triển có kiểm soát các tổ chức hành nghề công chứng, có định hướng, để lựa chọn những tổ chức có năng lực, có trình độ; phải có những biện pháp, ưu tiên, hỗ trợ để thành lập và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trước mắt là ở địa bàn cấp huyện để đảm bảo mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng phát triển đều khắp, phù hợp với nhu cầu công chứng, chứng thực trên địa bàn.

Thứ trưởng đề nghị phải phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, đặc biệt chú trọng đến đạo đức, nghề nghiệp; phải sàng lọc, phát hiện các công chứng viên không đủ tiêu chuẩn hành nghề, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật; có chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước đối với hoạt động của công chứng viên, trong đó chú trọng các chính sách liên quan đến chia sẻ thông tin, liên thông thủ tục; xác định rõ thẩm quyền công chứng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công chứng… 

Đọc thêm