Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -“Mới đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban này.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Doanh thu các doanh nghiệp hơn 800.000 tỷ

Năm qua, Ủy ban đã thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Theo đó, Ủy ban đã tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc quyền, trách nhiệm của Thủ tướng đối với doanh nghiệp giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã trực tiếp xây dựng chiến lược, kế hoạch; quản lý, giám sát tài chính và công khai tài chính doanh nghiệp; ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của 5 Tập đoàn, Tổng công ty; chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư; công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp…

Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ và giảm vốn chủ sở hữu. Nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”.

Cụ thể, năm 2021, tổng doanh thu các doanh nghiệp ước đạt 816.015 tỷ đồng (bằng 107% so với năm 2020); lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng. Trong đó, có 13/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, năm 2021 Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt để vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ủy ban đã tích cực sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, còn tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, trong năm 2022, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật, bảo đảm thời hạn các công việc thuộc thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty.

Ủy ban cần khẩn trương hoàn thành Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty. Đặc biệt tăng cường kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao phần thưởng cho các cá nhân thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao phần thưởng cho các cá nhân thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động của Ủy ban

“Tuy mới đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận nỗ lực của cơ quan này.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý trong thời gian tới, Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh - khẳng định, trong năm 2022, Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban sẽ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về cơ chế, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành với Ủy ban trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban và các Bộ, ngành để nâng cao vai trò của Ủy ban trong việc thực hiện chức năng phản biện, đóng góp ý kiến với các Bộ, ngành trong hoạch định cơ chế, chính sách pháp luật và và xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - kỹ thật trung và dài hạn.

Nhiều dự án đầu tư thực hiện đúng kế hoạch

Năm 2021 Ủy ban đã chỉ đạo 4 Tập đoàn, Tổng công ty tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoàn thành chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2, thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng công ty Phát điện 3, quyết toán cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...

Các doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone… tích cực triển khai các dự án đầu tư, với các dự án như Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, xây dựng cảng hàng không Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên...

Đọc thêm