Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, năm 2023, Nghệ An đã tạo việc làm mới cho gần 48.000 người, tăng 6.48% so với năm 2022. Trong đó, hơn 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 102,43% so với năm 2022, 14.000 lao động làm việc trong tỉnh, hơn 8.700 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh. Trong hơn 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hơn 10.000 lao động thuộc 11 huyện miền núi, chiếm 39,19% toàn tỉnh, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu. Ngoài ra, một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi.
Năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 47.000 lao động, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 16.500 người. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%.
Nghệ An là tỉnh thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Có thể nói, từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp hàng nghìn lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Nghệ An tìm được việc làm ổn định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 512,480 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, các cấp, ngành đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.015 lao động; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 40.000 người… góp phần giúp toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó vùng miền núi giảm được 2,2%. Nhờ chính sách quan trọng này, người dân các huyện miền Tây Nghệ An, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, có thêm cơ hội được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, mỗi lao động đi xuất khẩu được hỗ trợ theo nhiều mức, trong đó mức cao nhất đến 15 triệu đồng/người...
Câu chuyện của Nghệ An cho thấy, sự đúng đắn của nhận định “thị trường lao động là 1 trong 5 thị trường của nền kinh tế”. Tháng 9/2024, trong buổi làm việc với Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh vấn đề này. Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ LĐ-TB&XH xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là vấn đề lao động việc làm và thị trường lao động bởi vì đây là “xương sống” của Bộ, ngành. Bộ cũng đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng để tạo ra khung khổ pháp lý rất căn cơ trong quản lý và phát triển thị trường lao động, như: Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ngày 10/1/2023; Chỉ thị 09 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quản lý lao động ngoài nước, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; sau đó là sửa Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, thay thế bằng Nghị định số 70/2023/NĐ-CP… “Đây là 3 văn bản quan trọng, hình thành thị trường lao động, quản lý và vận hành thị trường lao động để có hiệu quả như ngày nay”, theo ông Dung.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, để trang bị kỹ năng cho người lao động, những năm qua, công tác đào tạo nghề đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hơn 10 năm qua, cả nước đã đào tạo nghề bình quân 1 triệu người/năm, 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo. Người lao động qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn, tính đến năm 2020 chiếm khoảng 85%. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2023 tỷ lệ người lao động vào khu vực phi chính thức giảm đi rất nhanh, nếu năm 2016 là 54% thì đến nay còn khoảng 24%; cùng với đó, người lao động có bằng cấp, chứng chỉ gia tăng rất nhanh, năm 2011 là 14% thì nay là khoảng hơn 27%; tỷ lệ thất nghiệp thuộc quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp, thất nghiệp ở thanh niên trên 7%...
Tuy vậy, trong sự phát triển thị trường lao động nói chung, thì lao động phi chính thức cũng là vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, đối với lao động phi chính thức, đáp ứng xu thế của thị trường lao động, các trung tâm dịch vụ việc làm đã bắt đầu tiến hành đào tạo ứng dụng công nghệ số vào khởi nghiệp và cải thiện cuộc sống, ví dụ như nghề bán hàng online giúp người lao động phi chính thức có kiến thức mở cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng như Shopee, Facebook, Zalo, Grabfood... Trước những thay đổi mạnh mẽ, với nhiều vấn đề thời sự đặt ra đối với thị trường lao động, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức. Đồng thời, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, youtuber, blogger, đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online...