'Vã mồ hôi' mới được xác nhận tình trạng hôn nhân

(PLO) - Chưa đầy nửa năm sau khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, một trong những vấn đề mà cơ quan tư pháp cũng như người dân phản ánh là việc xác nhận tình trạng hôn nhân với người đã từng qua nhiều nơi cư trú cực kỳ khó khăn.
'Vã mồ hôi' mới được xác nhận tình trạng hôn nhân

Phải chứng minh thay vì cho cam đoan

Chị Lê Mai Anh là nhân viên một công ty truyền thông đóng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). 29 tuổi mới kết hôn nên chị Mai Anh rất háo hức khi cùng chồng chưa cưới đi làm các thủ tục đăng ký. Thế nhưng chỉ mới bắt đầu vào việc lấy giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chị đã muốn “bỏ cuộc”. 

Số là, chị Mai Anh mới về sinh sống trên địa bàn quận Hai Bà Trưng 6 tháng nay nên chị cũng chưa kịp đăng ký tạm trú. Còn trước đây chị đã có thời gian 5 năm sống ở Sơn Tây rồi Hà Nam. Trước đó nữa chị học ở TP Vinh, Nghệ An và hộ khẩu thường trú của chị vẫn ở cùng gia đình tại TP này.

Khi đến xin UBND phường về xác nhận còn độc thân thì UBND phường nơi chị sinh sống không xác nhận vì không biết chị là ai, cũng không quản lý về mặt hành chính vì chị chưa một lần nào trình diện phường và đăng ký tạm trú với cơ quan Công an. 

Ngậm ngùi, chị quay về nơi có hộ khẩu thường trú thì UBND phường này trả lời chỉ có thể xác nhận trong thời gian chị sinh sống thực tế ở đây, còn từ đó đến nay (6 năm) họ không thể biết chị kết hôn hay chưa để xác nhận. 

Nghĩ đến cám cảnh phải đến 4 địa phương nơi mình đã từng cư trú để xin xác nhận còn độc thân khiến chị Mai Anh phát hoảng. Chị cũng không biết những nơi mình đã từng sống có xác nhận cho mình hay không.

Trước đây khi Luật Hộ tịch chưa có hiệu lực (trước 1/1/2016) thì những trường hợp đã qua nhiều nơi cư trú như của chị Mai Anh thì đương sự có thể làm cam đoan. Cụ thể, Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Cần gỡ khó cho dân

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thì người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau thì phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. 

Theo Nghị định 123/CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 thì trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.

Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.

(Trích Nghị định 123/CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch)

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.

Như vậy, so với trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, đã có một sự thay đổi lớn trong việc xác nhận tình trạng hôn nhân. Thay vì cho công dân được cam đoan thì nay họ phải “có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình”. Không chứng minh được thì sẽ thông báo cho UBND nơi có yêu cầu và sau hàng loạt thủ tục dài lê thê người dân mới có thể được cam đoan. Việc này theo nhận định của người dân là “làm khó cho dân”. Vì thế nên trước thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực, yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân ở một số địa bàn gia tăng do người dân tìm hiểu và biết được xin xác nhận sẽ khó khăn hơn nên đã “gấp rút” để được thuận lợi.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Phan Thị Bình Thuận xác nhận: việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho người cư trú ở nhiều nơi “dân kêu quá”. Theo bà Bình Thuận, quy định như hiện hành khiến người dân phải đi về những địa phương đã sinh sống, mà ở nhiều nơi vì nhiều lý do, người dân không thể lấy được xác nhận, gây bức xúc. 

“Trước đây cho người dân được cam kết, giờ bắt họ chứng minh, vừa gây mất thời gian, vừa tốn kém. Hơn nữa cũng chưa có quy định giấy tờ nào được coi là hợp pháp để chứng minh”, bà Thuận nói.

Còn tại Hà Nội, Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thị Hằng cũng cho rằng, đây là một vướng mắc cần tháo gỡ ngay, bởi quy định này rất khó khăn cho người dân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đơn cử một công dân sống ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội việc xác nhận qua từng đó nơi cư trú đã là việc làm phức tạp, mất rất nhiều thời gian, chưa kể nếu công dân đó sống ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, thậm chí ở nước ngoài. Thêm vào đó, theo bà Hằng, hiện nay đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã liên tục thay đổi, hệ thống sổ sách lại lưu trữ thủ công nên việc xác nhận là hết sức khó khăn.

“Quy định chặt quá có thể dẫn đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm mà không dám xác nhận”, bà Hằng nói và cho rằng, để công dân cam đoan như trước đây sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Trong trường hợp họ cam đoan không đúng thì phải chịu trách nhiệm. Nhẹ là giấy xác nhận bị hủy, còn nặng là bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự tùy mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) nói rõ: Trước đây vì pháp luật cho cam đoan nên có trường hợp bị lợi dụng. Khắc phục, Nghị định123 đã có quy định khác.

Dẫn Thông tư 15 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/NĐ-CP: Đối với việc đăng ký hộ tịch phải gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư này, nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh.

Người yêu cầu đăng ký hộ tịch chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan của mình, ông Khanh cho rằng quy định này đã tháo gỡ cho dân rồi. Tuy nhiên, theo ông Khanh đây cũng là giải pháp mang tính “tình thế”, nếu vướng mắc sẽ đề xuất để sửa đổi. 

Tuy đã có hướng ra nhưng theo nhiều cán bộ tư pháp, việc thực hiện các quy định này vẫn rất khó khăn và nhiều vướng mắc. Bởi, các văn bản nói trên không quy định thời gian bao lâu thì cán bộ tư pháp phải báo chủ tịch phường/xã gửi văn bản xác minh, đó là một kẽ hở gây phiền hà cho dân.

Hơn nữa, cũng khó có thể biết được những địa phương cũ nhận được văn bản lúc nào mà bảo là quá hạn ba ngày hay không để cho người dân cam kết. Việc phường/xã gửi văn bản xác minh, chờ hồi âm rồi mới cho cam kết khiến người dân phải đi lại nhiều lần, tốn kém, phiền hà mà cán bộ tư pháp cũng phải gánh thêm nhiều việc. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp cần xem xét vấn đề này để có giải pháp tháo gỡ.

1. Đối với việc đăng ký hộ tịch phải gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư này, nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan của mình; 

2. Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan biết về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật; Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định của Điều 5 Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

(Trích Thông tư 15 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/NĐ-CP).

Đọc thêm