Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều vaccine Pfizer giả ở trên thế giới. Tại Việt Nam, đã xuất hiện việc các cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vaccine Pfizer. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Pfizer trên toàn cầu chỉ trực tiếp cung cấp thông qua các thoả thuận song phương với các Chính phủ liên bang. Cho đến nay, không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp.
Bà Vanessa Piepenburg, đại diện Đội an ninh toàn cầu của Pfizer tại Singapore khẳng định, trong thời kỳ đầu của đại dịch, hãng dược này chỉ liên lạc trực tiếp với Chính phủ các nước và sẽ cung cấp các liều vaccine qua kênh phân phối đề xuất của họ và đến các địa điểm tiêm chủng đã định trước. Hiện tại, vaccine chưa được bán thương mại, bất kỳ các giao dịch thương mại nào đều là sản phẩm giả mạo hoặc không chính hãng. Đáng chú ý, vaccine Pfizer chỉ được vận chuyển từ Bỉ, không vận chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ, không vận chuyển theo liều riêng lẻ.
Tại buổi tập huấn, đại diện hãng Pfizer cam kết có sẵn các hệ thống mạnh mẽ, giúp bảo đảm an ninh cho các sản phẩm của Pfizer. Trong đó, tập trung xây dựng quan hệ đối tác với các liên minh chống hàng giả và lực lượng thực thi pháp luật. Chủ động giám sát các trang web ngầm và công khai để tìm hiểu những lời đề nghị cung cấp vaccine trái phép. Triển khai các tính năng bảo mật thích hợp cho bao bì sản phẩm…
Đại diện hãng dược này cũng cho biết, mới đây hãng đã có thoả thuận với Chính phủ Việt Nam cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Hiện tại hãng dược phẩm này đang chốt các kế hoạch vận chuyển và cung cấp vaccine cho Việt Nam trong quý III và quý IV/2021. Trong đó, thông tin mới nhất là một phần của các liều vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam trong tháng sau.
h. N.Sơn