Vaccine phòng COVID-19 tránh tái nhiễm ngay cả khi từng mắc bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Virus luôn thay đổi, điều này không ngoại lệ đối với virus gây dịch bệnh COVID-19, dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể (chủng virus mới) và làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Việc tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 giúp tăng cường khả năng chống lại sự tái nhiễm dẫn đến nhập viện và đạt được sự bảo vệ cao nhất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tăng cường khả năng chống tái nhiễm COVID-19

Theo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), người từng mắc COVID-19 đa số sẽ hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên sau đó, những người này vẫn có nguy cơ tái nhiễm hoặc có thể gặp những triệu chứng hậu COVID kéo dài nhiều tháng sau khi đã khỏi bệnh. Tiêm vaccine vẫn là chiến lược an toàn nhất để ngăn ngừa các biến chứng do nhiễm SARS-CoV-2.

Việc tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 giúp tăng cường khả năng chống lại sự tái nhiễm dẫn đến nhập viện và đạt được sự bảo vệ cao nhất. Để ngăn ngừa việc nhập viện liên quan đến COVID-19, tất cả những người đủ điều kiện nên tiêm vaccine ngay khi có thể, kể cả những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Tái nhiễm là tình trạng một người đã bị nhiễm COVID-19 trước đó đã hồi phục và sau đó bị nhiễm lại. Virus luôn thay đổi, bao gồm cả gây ra COVID-19. Những thay đổi này có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể (chủng virus mới) có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Vaccine COVID-19 tiếp tục có hiệu quả cao trong việc bảo vệ chống lại việc tái nhiễm này.

Một nghiên cứu về mối liên quan giữa tiêm chủng và tái nhiễm SARS-CoV-2 ở Kentucky trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2021 và được thực hiện với những người trước đó đã bị nhiễm SARS-CoV-2 vào năm 2020. Kết quả cho thấy người dân ở Kentucky không được tiêm chủng có tỷ lệ tái nhiễm cao gấp 2,34 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ (OR = 2,34; Khoảng tin cậy 95%: 1,58–3,47). Những phát hiện này cho thấy rằng việc tiêm vaccine đầy đủ sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại sự tái nhiễm.

Chống lại việc nhập viện liên quan đến tái nhiễm COVID-19

Hơn thế nữa, một nghiên cứu khác cho thấy trong số những người mắc COVID-19 trước đó, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cung cấp sự bảo vệ chống lại việc nhập viện liên quan đến tái nhiễm bệnh.

Cụ thể, ước tính hiệu quả của vaccine chống lại sự tái nhiễm dẫn đến nhập viện trong thời kỳ Omicron chiếm ưu thế là khoảng 35% sau liều 2 và 68% sau liều nhắc lại. Do đó, để ngăn ngừa việc nhập viện liên quan đến COVID-19, tất cả những người đủ điều kiện nên được tiêm chủng đầy đủ, kể cả những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

“Tin đồn người đã mắc sẽ có miễn dịch tốt hơn tiêm chủng nên không cần tiêm nhắc là không chính xác. Miễn dịch do nhiễm COVID-19 đã được chứng minh là bị suy giảm theo thời gian. Do đó việc chích các liều vaccine phòng COVID-19 nhắc lại là rất cần thiết nhất là khi bạn thuộc nhóm nguy cơ”, HCDC cho hay.

Ngày 23/6, Bộ Y tế nhận được văn bản của các tỉnh Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi về hỗ trợ điều chuyển vaccine phòng COVID-19 chưa sử dụng cho các địa phương khác có nhu cầu.

Trước đề nghị này của 4 tỉnh, Bộ Y tế yêu cầu địa phương nào để xảy ra dịch khi người dân chưa được tiêm chủng thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.