Vạch trần những thủ đoạn đưa pháo lậu qua biên giới

(PLO) - Tại nhiều địa phương, các đầu nậu pháo lậu không đợi đến cuối năm mới dồn dập đưa hàng từ biên giới về mà lặng lẽ xé lẻ số lượng để vận chuyển sâu vào nội địa suốt cả năm. Đến dịp áp tết, chúng mới bắt đầu xé lẻ hàng bán cho những người có nhu cầu với giá cao. 
Xe khách vận chuyển pháo lậu bị bắt quả tang

Hàng “mùa vụ”, buôn lậu quanh năm

Do lợi nhuận cao nên các đối tượng đã không từ thủ đoạn nào để buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ về Việt Nam. Những năm gần đây, thủ đoạn buôn lậu pháo khá tinh vi. Là loại hàng hóa có tính chất “mùa vụ” nên vào những tháng cuối năm giáp Tết Nguyên đán, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo lậu qua biên giới tại một số địa phương lại “nóng” lên như Quảng Bình, Lạng Sơn.

Trong tháng cao điểm đầu năm 2016, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (BPCKQT) Cha Lo, Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đã đấu tranh thành công 4 chuyên án, bắt 9 đối tượng, thu giữ 661kg pháo các loại. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các đầu nậu pháo lậu không đợi đến cuối năm mới dồn dập đưa hàng từ biên giới về mà lặng lẽ xé lẻ số lượng để vận chuyển sâu vào nội địa suốt cả năm. Đến dịp áp tết, chúng mới bắt đầu xé lẻ hàng bán cho những người có nhu cầu với giá cao. 

Theo điều tra của trinh sát Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh, tại Lào, pháo được bán tràn lan với giá rẻ. Pháo hoa giá khoảng 200-300 nghìn đồng/quả. Nếu vận chuyển trót lọt vào Việt Nam, pháo hoa sẽ có giá từ 1-1,5 triệu đồng, thậm chí đến thời điểm gần Tết Nguyên đán là 2-2,5 triệu đồng/quả. Pháo bi loại mỗi gói 200 quả ở Lào có giá 100-150 nghìn đồng, về Việt Nam được bán với giá 500 nghìn đồng/gói. 

Vận chuyển pháo lậu có nhiều cách, những người buôn bán cò con vượt biên, bỏ ra hơn triệu đồng, mua vài chục kilôgam pháo rồi cõng bộ qua đường ngang, lối tắt biên giới, hoặc được giấu lẫn trong hàng hóa, vận chuyển bằng ô tô, tàu thủy. 

Ngày 1/8/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 2 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) và Đồn BPCK cảng Vạn Gia (BĐBP Quảng Ninh) đã phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển hơn 2 tấn pháo nổ các loại tại khu vực biển giáp ranh với Trung Quốc. Lực lượng chức năng phát hiện cách khu vực Đầu Tán (thuộc đảo Vĩnh Thực) khoảng 3km về phía Trung Quốc, một số đối tượng dùng tàu gỗ không có biển kiểm soát vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.

3 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Răm (SN 1949, ở khu 9, thị trấn Diêm Điền, Thái Bình) là chủ tàu, Đặng Văn Cường (SN 1964, ở Nam Thắng, Tiền Hải) là thuyền trưởng và thuyền viên Trần Văn Chiến (SN 1967, ở xóm 6, Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình). Kiểm tra tàu gỗ, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu có một số lượng lớn pháo nổ, bao gồm 36 bao dứa và 32 thùng carton chứa các hộp pháo giàn và pháo trứng, tổng khối lượng là 2.020 kg pháo nổ các loại. Nguyễn Thị Răm khai nhận chở thuê số pháo trên cho một đối tượng không rõ tên tuổi từ Trung Quốc về Việt Nam.

Từ vụ tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ trên xe khách làm 8 người Việt tử vong ở huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn, Lào vào tháng 6/2016, cùng nguồn tin của các trinh sát thu thập được chứng minh đang tồn tại một số đường dây vận chuyển pháo, vật liệu nổ từ Lào về Việt Nam tiêu thụ, BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Đồn BPCKQT Cầu Treo tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết bắt gọn tội phạm.

Sáng 9/20167, tại Trạm kiểm soát BPCKQT Cầu Treo, lực lượng phối hợp đã kiểm tra xe ô tô giường nằm biển kiểm soát UN - 6789 của nhà xe Việt Hùng, chạy tuyến Diễn Châu (Nghệ An) - Viêng Chăn (Lào), phát hiện bên dưới sàn xe có 2 hầm tự chế cất giấu 189kg pháo các loại. 4 đối tượng bị bắt cùng tang vật gồm có Ngô Sỹ Hùng (SN 1990), Trần Văn Huy (SN 1988), Nguyễn Văn Liệu (SN 1992) đều trú tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và Lê Đình Khánh (SN 1978, trú tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Các đối tượng khai nhận ngày 7/7/2016 đã chở thuê cho một người lạ mặt 7 thùng carton pháo có tổng trọng lượng 189 kg về Việt Nam với giá 1,3 triệu đồng/thùng. Để qua mắt lực lượng chức năng, chúng đã dùng máy cắt một nửa phần trên của xắc xi xe (là hai hộp sắt rỗng, dài dọc xương sống của xe, nâng đỡ xe) chế 2 hầm bí mật, chia nhỏ số pháo và cất giấu bên trong. Sau đó để kín đệm phía trên và chất hàng chục bao gạo che lại. Việc chuyên chở này vô cùng nguy hiểm, đe dọa sinh mạng toàn bộ sinh mạng hành khách trên chiếc xe “tử thần” nếu các thùng pháo đó phát nổ.

Cứ vận chuyển qua biên giới sẽ bị truy tố

Ngày 19/7/2016, tại xóm Pò Tập, thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Đồn BPCKQT Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng đã mật phục, bắt quả tang Nông Ngọc Hành (SN 1994, trú tại bản Châu, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) vận chuyển trái phép 27kg pháo nổ nhập lậu từ Trung Quốc.

Hành khai nhận: “khoảng 7h30 ngày 19/7, tôi đã đi qua khu vực bãi bốc xếp hàng hóa Phú Anh, tại xóm Pò Tập (bên cánh gà trái Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng) sang Trung Quốc mua 27kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất với giá 1.764.000 đồng của một người đàn ông Trung Quốc không biết tên ở tại trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Quảng Tây”. Đồn BPCKQT Tà Lùng đã khởi tố vụ án, khởi tố Nông Ngọc Hành và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Hành không hiểu tại sao mình buôn lậu chưa đến 2 triệu đồng mà bị khởi tố? 

Do pháo nổ là mặt hàng cấm nên hành vi buôn bán pháo nổ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, mức xử phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1 triệu đồng. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng. Mức phạt cao nhất là phạt tiền 100 triệu đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định trên, với số hàng cấm chưa đến 2 triệu thì Hành chỉ bị xử phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo hướng dẫn: “Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 2kg đến dưới 30kg; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng từ 1kg đến dưới 15kg hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; nếu vận chuyển, mua bán trái phép qua biên giới thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 232 BLHS”. Thế nên không chỉ có Hành mà bất kỳ người nào vận chuyển pháo lậu qua biên giới bị bắt đều phải đứng trước vành móng ngựa. 

Đọc thêm