Sáng nay, 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ NN& PTNT, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều.
Năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu tại Hội nghị |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn thông tin, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19 song Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng; Lục Ngạn (vùng vải thiều lớn nhất của tỉnh) không có người mắc Covid-19.
Với cách làm năng động, sáng tạo, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều.
“Do đó, đến nay đã khẳng định vụ này, vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...”- Lãnh dạo tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; việc ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh; nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội. Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng.//
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mong muốn không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng có cách làm tương tự để nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm.
Bộ trưởng cũng biểu dương Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Đồng thời lưu ý Bắc Giang, không chỉ với vải thiều mà các sản phẩm khác cũng cần áp dụng tương tự để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tư lệnh ngành Công Thương cũng bày tỏ huy vọng sau sự kiện này sẽ có nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Bắc Giang qua các sàn giao dịch điện tử để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tạo “làn xanh” cho vải thiều lưu thông.