Văn bản chưa phù hợp gây ảnh hưởng, lãng phí

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, văn bản của các bộ, ngành được ban hành mà chưa phù hợp là có gây ảnh hưởng, lãng phí.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thảo tại phiên chất vấn sáng 9/11 Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, văn bản của các bộ, ngành (tập trung là thông tư) được ban hành mà chưa phù hợp là có gây ảnh hưởng, lãng phí.

Từ thực tiễn kiểm tra, số liệu của Bộ Tư pháp một vài năm qua (kiểm tra theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp đối với văn bản của các bộ, ngành, địa phương) thì năm 2016, trong số 124 văn bản mà Bộ Tư pháp phát hiện có sai sót về thẩm quyền và nội dung, các bộ, ngành có 36. Năm 2019, văn bản sai của các bộ, ngành là 13/165 văn bản được phát hiện. Năm 2020 là 5/59 văn bản.

Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 9/11.
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 9/11. 

Như vậy, số lượng văn bản sai của các bộ, ngành đã có sự giảm dần. Nhưng thực tế thì phụ thuộc vào tổng số văn bản mà Bộ Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền (như năm 2020, mới kiểm tra đến tháng 10 để trình Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội).

Về nguyên nhân, chủ thể ban hành văn bản chưa làm kỹ, rà soát kỹ các công đoạn, chưa thật sự phát huy vai trò của tổ chức pháp chế tại cơ quan mình. Bên cạnh đó, có lý do về vấn đề chuyên môn, bản lĩnh và qua rà soát thì một số văn bản từ luật, nghị định đến thông tư có những cách biệt khó khăn, phức tạp trong xử lý mà khi đi vào cụ thể mới được phát hiện ra.

Liên quan đến giải pháp, Bộ trưởng Long đề xuất các chủ thể ban hành văn bản tập trung thêm một số vấn đề sau: khi thiết kế, xây dựng các văn bản để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành nên hạn chế đến mức tối đa việc phải ban hành thông tư. Nếu đưa được từng nội dung cụ thể vào từng văn bản để Quốc hội, Chính phủ thông qua, tổ chức thi hành được ngay sẽ là tốt nhất.

Điểm đặc biệt ở chỗ, thông tư – văn bản quy phạm pháp luật cấp bộ thì cơ chế kiểm soát không chặt chẽ như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện nay, việc ban hành, soạn thảo, xử lý thông tư như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu các bộ, ngành trên cơ sở thẩm định của tổ chức pháp chế tại cơ quan. Do đó, cần thường xuyên rà soát, lắng nghe kỹ các ý kiến góp ý.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Long cam kết sẽ thực hiện kiểm tra và sẽ mạnh dạn, dứt khoát hơn nữa khi phát hiện ra các vụ việc cụ thể.

Đọc thêm