Vẫn băn khoăn chuyện đèn vàng

(PLO) - Mặc dù vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi, tuy nhiên, được sự đồng thuận của đa số người tham gia giao thông, Nghị định 46 đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông một cách rõ rệt.
Lực lượng CSGT đang dừng xe một trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ.
Lực lượng CSGT đang dừng xe một trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ.

Vi phạm – không phạt nóng thì phạt nguội

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) TP Hà Nội, sau một tuần thực hiện, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông. Trong đó, ngày đầu tiên thực hiện quy định mới, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý gần 600 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm và dừng đỗ sai quy định, tạm giữ 24 phương tiện và 122 bộ giấy tờ. Tại tỉnh Quảng Ninh, trong ngày đầu ra quân lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử phạt trên 600 trường hợp vi phạm, phạt tiền 279 triệu đồng, tước 17 giấy phép lái xe...

Trung úy Nguyễn Phúc Triệu - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong những ngày đầu thực hiện Nghị định 46, qua công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, tôi nhận thấy ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng cao, các hành vi vi phạm luật giao thông có dấu hiệu giảm bởi trong Nghị định 46 quy định mức phạt của nhiều hành vi vi phạm được tăng cao kết hợp với các hình thức phạt bổ sung cũng đã có tác động tích cực đến người tham gia giao thông”.

Theo chân Đại đội 5, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đi tuần tra, kiểm tra nhắc nhở, xử lý một số tuyến phố phóng viên ghi nhận thấy tình trạng vi phạm như các phương tiện khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt, trong hai ngày đầu ra quân, đơn vị chủ yếu nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định pháp luật. 

Thượng tá Nguyễn Tuấn Tùng – Phó Trung đoàn trưởng CSCĐ Hà Nội cho biết, phần lớn các trường hợp vi phạm về đội mũ bảo hiểm, đối tượng vi phạm chủ yếu là học sinh, sinh viên, hoặc chở theo người cao tuổi. Khi bị CSCĐ phát hiện, xử lý, đa số người vi phạm đều nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh kiểm tra và ký giấy nộp phạt. Có một vài trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm không chấp hành yêu cầu dừng xe, nhưng để đảm bảo an toàn, lực lượng CSCĐ không truy đuổi. Cũng theo Thượng tá Tùng, những trường hợp vi phạm giao thông bỏ chạy, CSCĐ sẽ không truy đuổi nhưng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng khác như CSGT dừng xe xử lý hoặc xử phạt nguội. Ngoài ra, đối với những trường hợp có biểu hiện phạm pháp hình sự, CSCĐ sẽ kiên quyết truy đuổi bắt giữ.

Xử phạt không biên bản có dễ phát sinh tiêu cực?

Mặc dù khi triển khai thực hiện Nghị định 46/NĐ-CP đa số đều nhận được sự đồng thuận của người dân, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa đồng thuận, gây tranh cãi về các lỗi xử phạt đèn vàng, thời gian bật đèn trên phương tiện, hay lỗi không gạt chân chống xe…

Anh Lê Hữu Linh ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, theo quy định mới, mức xử phạt giữa phương tiện vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau là không công bằng. “Trường hợp vượt đèn vàng thường là xe lỡ trớn, không cố ý, trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông dừng đột ngột trước đèn vàng để tránh bị xử phạt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người lưu thông phía sau. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại mức phạt đối trường hợp phương tiện vượt đèn vàng”, anh Linh nói.  

Bình luận quy định liên quan đến xử phạt vượt đèn vàng, Luật sư Trần Hậu Thìn, Trưởng Văn phòng Luật sư An Việt cho rằng quy định này không khả thi và thậm chí có thể dẫn đến trường hợp CSGT xử lý tùy tiện. Luật sư Thìn phân tích, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ rõ 2 trường hợp về đèn vàng như Cục Cảnh sát nêu ở trên, tuy nhiên không quy định rõ khái niệm thế nào là “vượt đèn vàng”. Trường hợp vượt qua giao lộ khi có đèn vàng cũng là vượt và đi qua vạch khi có đèn vàng cũng là vượt, như vậy ranh giới xác định việc vượt hay không vượt với CSGT bằng mắt thường là rất khó. Hơn nữa, trong luật không quy định xử phạt đèn vàng như thế nào.

Ngoài ra, theo Luật sư Thìn, vấn đề gây lo ngại nhất ở Nghị định 46 chính là việc các trường hợp CSGT được trao quyền xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản: “Việc trao quyền xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản cho CSGT là lỗ hổng dễ phát sinh tiêu cực từ cả hai phía: người xử phạt và người bị xử phạt. Theo quy định, CSGT sẽ không cần lập biên bản ở mức xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân hoặc 500.000 đồng đối với tổ chức. Đó là những mức phạt không quá lớn, nhưng cũng đủ để phát sinh những hệ lụy từ tâm lý muốn xử lý “nhanh gọn” của nhiều người”.

Thực tế, trong một số trường hợp, tiêu cực đã xảy ra ngay cả khi CSGT lập biên bản xử phạt như trước đây, khi người vi phạm phản ứng lại án phạt bằng sự hối lỗi, xin xỏ và “mặc cả” lực lượng chức năng hạ mức phí xử lý vi phạm. Tuy vậy, việc lập biên bản ít ra vẫn còn có cơ sở để kiểm soát và giám sát công quyền. Trong trường hợp có sự thỏa thuận nào đó giữa người vi phạm và người xử phạt, việc không lập biên bản xử lý vô hình trung sẽ lại tạo “kẽ hở” cho tiêu cực.

Đọc thêm