Vẫn chưa chốt phương án tăng lương tối thiểu 2016

(PLO) - Kết thúc phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào ngày hôm qua (25/8), các bên vẫn chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu năm 2016 bởi sự khác biệt về mức đề xuất tăng lương tối thiểu giữa các bên.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
16% thì cao quá!
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động thì VCCI chỉ đồng ý mức tăng 7% (sau một hồi tranh luận, mức này tăng lên 10%). 
Quan điểm của VCCI là phải đặt lợi ích người lao động, lợi ích chủ doanh nghiệp dưới lợi ích quốc gia. Đất nước phải có đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh, phát triển bền vững mới bảo đảm được việc tăng lương tối thiểu, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Để bảo vệ quan điểm của mình, ông Phòng phân tích, với mức tăng năng suất lao động 3%, mức trượt giá đồng tiền từ 1 đến 3% như hiện nay thì mức tăng lương tối thiểu 10% là phù hợp. Bởi dù mức tăng lương lên 10% nhưng doanh nghiệp sẽ phải chi trả thực tế tới 17-18%, bởi từ 1/1/2016, doanh nghiệp đã phải từng bước đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập chứ không đơn thuần theo mức lương. Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải đóng thêm từ 30-45% so với mức đóng của năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình lên để trụ vững. 
“Người lao động muốn tăng lương là hết sức chính đáng và chúng tôi đồng ý là phải tăng lương, nhưng phải theo lộ trình và phải có mức phù hợp để làm sao doanh nghiệp chịu đựng được. 16% thì cao quá, vượt quá khả năng chi trả cũng như khả năng phát triển của doanh nghiệp hiện tại, vì vậy doanh nghiệp rất cần sự cảm thông từ phía người lao động”- ông Phòng trần tình.
Hy vọng vào ngày 3/9 
Về phía người lao động, nhiều người thấy bất an khi nói đến tăng lương. Bởi tăng lương có trên danh nghĩa nhưng thực tế lại không có nhiều ý nghĩa. Lương chưa tăng mà giá các mặt hàng thiết yếu đã rập rình tăng trước. Chính vì thế, nhiều người mong muốn có các chính sách ổn định để khỏi phấp phỏng mỗi khi tăng lương. 
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, đời sống người lao động hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khoảng 92% công nhân lao động nhận mức lương 5 triệu đồng mới đủ sống; còn lại khoảng 8% là có dư. 
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần đến các khu công nghiệp để kiểm tra đời sống công nhân hiện nay; đồng thời làm việc với Tổng cục Thuế để xem xét việc doanh nghiệp hạch toán tiền lương của người lao động như thế nào. 
Trước quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu 10% của VCCI, ông Mai Đức Chính phản biện: Năm ngoái kinh tế khó khăn còn điều chỉnh tăng lương được bình quân 14,8%, năm nay kinh tế khởi sắc, không thể điều chỉnh được thấp hơn năm ngoái quá nhiều. Phương án của Tổng Liên đoàn Lao động thấp nhất phải tăng ít nhất bằng năm ngoái, tăng 400.000 đồng (tương đương 12,8%).
Chính bởi quan điểm khá xa nhau nên tới cuối buổi họp, các bên vẫn “không bên nào chịu bên nào”. “Tại phiên họp lần thứ hai này, đại diện của VCCI và đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn không thống nhất phương án tăng lương tối thiểu, khoảng cách giữa hai bên chênh nhau khoảng hơn 6%. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ nguyên đề xuất mức tăng là 16,8%, trong khi VCCI chỉ đồng ý mức tăng khoảng 10%” - ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết.
Theo quy chế, mỗi bên có quyền đề nghị dừng phiên họp một lần. Lần này, phía đại diện người lao động đã xin dừng phiên họp để tiếp tục thương lượng. Vì vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định ngày 3/9 sẽ tổ chức phiên họp lần thứ ba. Nếu phiên họp lần thứ ba tiếp tục không có sự thống nhất, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ lựa chọn và quyết định phương án cuối cùng để đề xuất, báo cáo với Thủ tướng.

Đọc thêm