Vấn đề nào được giải quyết nếu kiểm soát thuốc lá thế hệ mới phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, nhiều người lo ngại nếu cho phép thương mại hóa thuốc lá thế hệ mới sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Thế nhưng, thực tiễn của các nước đi trước cho thấy điều ngược lại với định kiến này.

Hàm lượng các chất gây hại trong thuốc lá thế hệ mới thấp hơn thuốc lá điếu

Đến nay, đã có 184/193 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đã được khoa học công nhận hiện diện tại các nước này. Các kết quả thẩm định khoa học được thực hiện bởi những cơ quan y tế uy tín trên toàn cầu, cụ thể như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Nghiên cứu về đánh giá nguy cơ Liên bang Đức (BfR), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE)…

Kết luận từ các cơ quan y tế này đều đưa ra kết quả tương đồng: Thuốc lá làm nóng (TTLN) và thuốc lá điện tử (TTĐT) có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn khoảng 90-95% so với thuốc lá điếu đốt cháy.

Một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Bốn nghiên cứu do Bộ Y tế Nhật Bản thực hiện cũng công bố kết quả tương tự. Theo đó, nghiên cứu thứ nhất cho thấy hàm lượng nitrosamine và carbon monoxide (hai chất điển hình gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc lá) trong TLLN chỉ bằng 1/5 - 1/100 so với thuốc lá điếu.

Hai nghiên cứu tiếp theo cho thấy việc tiếp xúc với khí hơi aerosol của TLLN trong phòng kín được đánh giá thấp hơn 3 bậc so với khói từ thuốc lá điếu. Nghiên cứu cuối cùng cũng cho thấy các hàm lượng vật chất gây hại trong TLLN vẫn thấp ở mức cho phép.

Đặc biệt, vào giai đoạn 2014-2017, khi TLLN được thương mại hóa tại Nhật, tỷ lệ nhập viện do bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD) đã giảm đáng kể, theo thứ tự giảm còn 1,8% và 2,3%. Doanh số bán thuốc lá của Nhật Bản cũng đã giảm 44%, nhờ nguồn cung hợp pháp các sản phẩm TLLN trong cùng giai đoạn.

Dữ liệu bảo hiểm quốc gia của Hàn Quốc cũng kết luận rằng những người hút thuốc lá chuyển sang sử dụng các sản phẩm TLLN đã giúp giảm đến 34% nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu.

Kiểm soát TLTHM phù hợp để bảo vệ người dùng

Các chuyên gia cho rằng chỉ tuyên truyền kêu gọi người dùng là chưa đủ, mà còn cần tận dụng lợi thế của hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam để giúp ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với mọi sản phẩm thuốc lá.

Điều này vẫn hoàn toàn khả thi bởi thuốc lá vẫn là đối tượng kinh doanh hợp pháp theo Luật Đầu tư. Song song đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã quy định rõ trách nhiệm và hình phạt đối với hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá trong đối tượng dưới 18 tuổi. Cụ thể, chế tài xử phạt này đã được quy định ở Điều 9 Luật PCTHTL và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điều 24 Nghị định 176 cũng quy định người mua chưa thành niên bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đối với người bán hàng, mức phạt nặng hơn, lên tới 4 triệu đồng và có thể bị đình chỉ kinh doanh từ 1 - 3 tháng.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm đã thuộc định nghĩa “thuốc lá” theo Luật PCTHTL như TLLN (vì có chứa nguyên liệu thuốc lá), lệnh cấm sẽ đi ngược lại hệ thống pháp luật hiện hành.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, việc quản lý TLTHM còn là công cụ để răn đe các đối tượng buôn lậu lợi dụng TLĐT làm công cụ tiêu thụ các chất cấm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Ngoài ra, việc sớm xử lý và ban hành các cơ chế quản lý TLTHM sẽ giúp Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với TLTHM. Đây là nguồn thu quan trọng đã bị thất thu nhiều năm qua, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đề xuất biện pháp quản lý TLTHM từ năm 2017.

Tội phạm buôn lậu lợi dụng cấu tạo mở của một số loại thuốc lá điện tử để trộn lẫn ma túy.

Tội phạm buôn lậu lợi dụng cấu tạo mở của một số loại thuốc lá điện tử để trộn lẫn ma túy.

Hiện đa số các bộ, ngành liên quan đều nhất trí cần sớm đưa TLTHM vào quản lý vì không còn rào cản nào về pháp lý. Thế nhưng, đến nay tiến độ vẫn đang chậm trễ vì vẫn còn một số quan điểm khác biệt về phương án quản lý. Điều này cần sớm được giải quyết để đi đến quyết định thống nhất dựa trên cơ sở dung hòa lợi ích giữa các chủ thể hữu quan.

Đáng chú ý, năm nay cũng là năm mà Việt Nam tham gia Hội nghị các bên (COP10) của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) vào tháng 11/2023. Hội nghị sẽ tập trung vào quan điểm quốc gia đối với TLTHM. Vì vậy, việc sớm có câu trả lời cho chính sách quản lý TLTHM còn khẳng định vai trò và vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về khả năng kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá.

Đọc thêm