Văn hóa & Pháp luật

Vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực tiễn lập pháp ở nước ta trong quá trình đổi mới, đặc biệt là ở những khóa Quốc hội gần đây cho thấy những nét văn hóa nổi lên ngày càng rõ nét như là điểm son trong lập pháp của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đại biểu Quốc hội trình bày sáng kiến lập pháp. (Ảnh minh họa)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đại biểu Quốc hội trình bày sáng kiến lập pháp. (Ảnh minh họa)

Thực trạng văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp

Nghiên cứu thực tiễn lập pháp ở nước ta trên phương diện văn hóa pháp luật dễ thấy nổi lên là giá trị của dân chủ được thể hiện trong pháp luật và ngày càng được bảo đảm một cách thực tế. Đây là điểm đặc trưng nhất khi nhìn nhận về văn hóa pháp luật được các chủ thể lập pháp ở nước ta tiếp nhận thời gian qua.

Ví dụ, trong năm 2018, Chính phủ nước ta sau khi tiếp thu các ý kiến của nhân dân đã đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu). Bên cạnh đó, sự không áp đặt ý kiến đối với các đại biểu trong thảo luận và thông qua luật, các đại biểu có thể tự do phát biểu ý kiến có tính chất xây dựng đối với các vấn đề của luật.

Từ những nhận thức tổng quát về văn hóa pháp luật và hoạt động lập pháp về cơ bản, có thể hiểu văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp là những giá trị tạo nền tảng cho hoạt động lập pháp thể hiện trong thiết chế, thể chế lập pháp, trong ý thức và hành vi pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền hay tham gia thực hiện hoạt động lập pháp.

Văn hóa tranh luận trong hoạt động lập pháp đã được đẩy lên mức ngày càng cao. Các ý kiến về xây dựng luật, các quy định của luật được tôn trọng quyền tự do phát biểu. Ý kiến có thể là thuận chiều hay trái chiều, có thể là gay gắt hay ôn hòa, nhưng nói chung, Quốc hội và giữa các đại biểu đã chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, không quy kết, chụp mũ.

Văn hóa pháp luật được thể hiện trong sản phẩm của nó là ở các luật ngày càng có chất lượng. Hiện nay, đứng trước thực trạng chúng ta đang tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại mới đã chứng tỏ hệ thống pháp luật đang rất mở thì mới có thể cùng một lúc tiếp nhận và tương thích với nhiều hiệp định quốc tế để thích ứng với các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực trong hoạt động lập pháp gắn với những giá trị pháp luật hiện có, vẫn còn những hạn chế nhìn từ khía cạnh văn hóa. Đó là văn hóa pháp lý bao cấp ít nhiều vẫn có trong hoạt động lập pháp. Trước tiên, nó thể hiện ở các kế hoạch lập pháp do Nhà nước, các cơ quan nhà nước thực hiện như ban hành các chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, toàn khóa… Vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được đặt đúng vị trí trong xã hội hiện đại, chưa được đề cao đúng mức.

Tính kiêm nhiệm đại biểu trong lĩnh vực lập pháp. Đây cũng là biểu hiện mà theo đó văn hóa pháp lý đã không phản ánh được tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong hoạt động lập pháp. Thực tế, đó có thể là nguyên nhân nhiều đạo luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, hoặc thậm chí có quy định của luật chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi.

Biểu hiện cục bộ, lợi ích (ngành, lĩnh vực) trong hoạt động lập pháp. Đây là điều đã được biết đến từ khá lâu trong thực tiễn lập pháp nước ta. Hiện tượng “chạy qua chạy lại, xin cho, quy định không rõ ràng để người dân kêu ca, phải xếp hàng chờ đợi” là vấn đề đã được nêu trong các phiên họp của Chính phủ, các bộ, ngành hoặc của dư luận xã hội nước ta thời gian qua.

Trong hoạt động soạn thảo cũng như tranh luận, thông qua luật, không tránh khỏi ảnh hưởng của truyền thống, tâm lý pháp lý bắt rễ sâu trong đời sống - xã hội. Đó là “dĩ hòa vi quý”, “thêm bạn, bớt thù”, “nể nang”… làm giảm tính tranh luận, phản biện trong hoạt động lập pháp.

Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp

Từ nhận thức lý luận và thực tiễn trên đây về văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, chúng tôi xin có một số định hướng sau đây:

Một là, mở rộng các đối tượng tham gia vào hoạt động lập pháp.

Thực chất đây là tăng cường giá trị dân chủ trong văn hóa lập pháp. Định hướng phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp ở nước ta trước tiên cần được thể hiện ngay trong các quy trình lập pháp theo hướng xã hội hóa hoạt động làm luật.

Việc mở rộng đối tượng lập pháp này chính là biểu hiện quan trọng đầu tiên của văn hóa pháp luật, thể hiện ở việc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Cho đến nay, Chính phủ là cơ quan hành pháp, nhưng trên thực tế, có tới hơn 90% số dự án luật được xây dựng dựa trên đề xuất của các cơ quan hành pháp, sau đó giao cho cơ quan hành pháp chủ trì xây dựng luật. Việc tận dụng tốt các nguồn lực xã hội, làm cho pháp luật trở nên khách quan hơn so với việc pháp luật được đưa ra từ phía các cơ quan lập pháp, cũng giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ để dồn sức cho việc thực hiện chức năng quản lý vĩ mô tốt hơn.

Hai là, bảo đảm tính pháp quyền trong hoạt động lập pháp.

Cần bảo đảm sự ràng buộc pháp lý để không chỉ các thể chế nhà nước mà các thể chế chính trị cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 4 của Hiến pháp: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, trong lĩnh vực lập pháp cũng cần thể hiện được nguyên tắc này. Ở đây có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất ở nước ta với vai trò đặc biệt quan trọng, là lãnh đạo nhà nước và xã hội, trong đó có lãnh đạo hoạt động lập pháp nhưng vẫn chưa có được một đạo luật về Đảng được ban hành. Vì vậy, thời gian tới, việc phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp cần phải thể chế hóa tổ chức và hoạt động của Đảng ta bằng các đạo luật cụ thể.

Ba là, xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp gắn với các cơ chế hữu hiệu công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thực tế, văn hóa của người Việt vốn đề cao tính cộng đồng, hạ thấp tính cá nhân, khiến cho ý thức về cái tôi cá nhân bị xem nhẹ, người dân cũng ít đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng các cơ chế pháp lý để bảo vệ các phạm vi quyền của mình. Ở chiều ngược lại, tư duy về việc mình có quyền ban phát trong việc “tặng - cho”, “thu hồi” chứ không phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm cũng hiện diện trong tư tưởng của một bộ phận cán bộ, công chức. Vì vậy, pháp luật cũng như thực hiện pháp luật trong hoạt động lập pháp cần phải tính đến các yếu tố văn hóa này để cải thiện tình hình.

Bốn là, phát triển văn hóa pháp luật bằng việc xác định hợp lý phạm vi quyền lực nhà nước trong hoạt động lập pháp.

Việc giới hạn quyền lực nhà nước trong hoạt động lập pháp không chỉ là việc xác định đúng thẩm quyền của các chủ thể quyền lực nhà nước mà còn là đảm bảo việc tham gia của nhân dân, của xã hội trong việc xây dựng các đạo luật cũng như tổ chức hoạt động lập pháp. Chỉ khi làm được như vậy thì các cơ quan nhà nước mới có vị trí, chính danh và nhân dân cũng thấy được tiếng nói của mình trong đó, làm hạn chế sự lạm quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Năm là, gìn giữ tinh hoa văn hóa pháp lý truyền thống trong hoạt động lập pháp.

Văn hóa pháp luật truyền thống nước nào cũng vậy, có thể có những mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề bảo vệ, phát triển văn hóa pháp lý truyền thống trong hoạt động lập pháp là vấn đề rất phức tạp. Ta có thể gặp cả quan niệm dường như có xu hướng đi ngược các giá trị văn hóa pháp lý pháp luật. Vì vậy, việc lựa chọn các giá trị văn hóa pháp lý nào để gìn giữ, giá trị nào để loại bỏ do không phù hợp có lẽ là vấn đề cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi chỉ nêu một vài khía cạnh hoặc ví dụ mang tính gợi ý.

Chẳng hạn, gìn giữ tính nhân văn trong văn hóa Việt thể hiện quan điểm “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Theo đó, trong hoạt động lập pháp, việc xây dựng những văn bản pháp luật có tính trừng phạt, cưỡng chế đối với tội phạm hình sự hoặc các vi phạm hành chính. Ngoài áp dụng các biện pháp trừng phạt thì kèm theo đó cần đẩy mạnh tính chất, tạo lập cơ chế giáo dục tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho những người vi phạm có các cơ hội sửa chữa sai lầm, nhằm phát huy tính nhân văn của văn hóa truyền thống.

Hay với văn hóa trọng tình hơn trọng lý và truyền thống văn hóa khép kín của người Việt, trong lập pháp có thể tính đến việc lựa chọn hình thức quan phương hoặc phi quan phương trong một số mối quan hệ. Có thể cho phép cộng đồng tự giải quyết một số hành vi pháp lý một cách êm thấm. Chính vì vậy, trong hoạt động lập pháp có thể nghiên cứu để trao quyền giải quyết những vấn đề có tính địa phương (tự quản) như thừa nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp, đề cao hòa giải địa phương,… Điều đó là vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời giảm áp lực cho chính các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề địa phương.

Vấn đề hạn chế thấp nhất văn hóa bao cấp, thụ động trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tư tưởng bao cấp trong xây dựng pháp luật vẫn tồn tại đến ngày nay thể hiện ở tâm lý chờ đợi, “xin - cho”, ít sáng kiến đột phá trong hoạt động xây dựng thể chế và pháp luật. Ví dụ, các hoạt động xây dựng pháp luật thường được lên kế hoạch bằng các chương trình làm luật cụ thể của Quốc hội. Do đó, rất ít khi các chủ thể lập pháp chủ động xây dựng, đệ trình được những văn bản pháp luật ngoài chương trình đó cho các cơ quan lập pháp.

ThS. Cao Việt Thăng - ThS. Nguyễn Đình Sơn

(Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)