Vận động bầu cử trực tuyến: Làm rõ nguyên tắc để đảm bảo minh bạch, an toàn thông tin

(PLVN) - Đánh giá việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định hình thức vận động bầu cử trực tuyến là một điểm tiến bộ, Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên tắc của hình thức vận động bầu cử để đảm bảo sự minh bạch, an toàn thông tin, tránh giả mạo.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại phiên họp.

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 các luật có liên quan để thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Các đại biểu cũng bày tỏ thống nhất xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung tại các Điều 65, Điều 66 của Luật hiện hành; theo đó các hình thức vận động bầu cử được quy định đa dạng hơn, như hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá việc quy định về vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến là một điểm tiến bộ và hiện đại hóa trong quá trình dân chủ. Tuy nhiên, theo Đại biểu, dự thảo Luật chưa làm rõ nguyên tắc về vấn đề này để đảm bảo sự minh bạch, an toàn thông tin, tránh giả mạo.

“Tại khoản 2 Điều 66 chỉ đề cập đến việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật, an toàn thông tin là chưa đủ. Việc mở rộng hình thức tổ chức trực tuyến là tích cực, nhưng hiện nay chưa có quy định kỹ thuật nào đảm bảo an toàn về thông tin xác thực người tham gia và ghi nhận ý kiến cử tri hoặc lưu trữ kết quả hợp lệ”, Đại biểu Mạnh nêu ý kiến.

Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm ban hành quy định kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin, xác nhận danh tính và lưu trữ nội dung hội nghị, tiếp xúc cử tri tổ chức theo hình thức trực tuyến và giao cho Chính phủ hoặc Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn hệ thống lưu trữ và kiểm tra tính hợp lệ”.

Bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật hiện hành theo hướng quy định các hình thức vận động bầu cử trực tiếp kết hợp với trực tuyến, bổ sung quy định về tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm sẵn sàng ứng phó với trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định này chỉ dùng cho lúc dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, ví dụ như dịch COVID-19 vừa qua.

“Trường hợp thông thường, tôi đề nghị nên tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt những đại biểu tham gia ứng cử, giới thiệu lần đầu phải đến trực tiếp ở, nơi mình tham gia ứng cử để giới thiệu về mình. Cử tri cũng muốn biết mặt của đại biểu đó như thế nào, ra làm sao. Nếu theo hình thức trực tuyến, hiện nay, đường truyền chúng ta có lúc, có lúc không, mà quy định như thế này có thể chúng ta làm trực tuyến cũng được. Tôi nghĩ rằng chỉ có những trường hợp xảy ra như vừa trình bày mới làm trực tuyến, còn không tất cả đều phải trực tiếp để cho cử tri biết đại biểu và đại biểu gặp cử tri để vận động về mình”, Đại biểu Hòa nói.

Còn Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn Tây Ninh) đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định thêm về việc người ứng cử tự vận động bầu cử thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội.

“Trong các cuộc bầu cử gần đây, có các hiện tượng người ứng cử tự đăng thông tin và chương trình hành động lên các trang cá nhân của mạng xã hội như Facebook hay Zalo. Do đó, dự án Luật nên có sự điều chỉnh về vấn đề này”, Đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định việc người ứng cử tự vận động bầu cử thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội là một phương cách để người ứng cử vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng.

Hoặc cũng có thể quy định nội dung này như là một điều cấm trong Điều 68 để đảm bảo nguyên tắc bầu cử bình đẳng giữa những người ứng cử trong việc tiếp cận cử tri và vận động bầu cử, đảm bảo an ninh và an toàn trong bầu cử.

Còn Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu

“Việc xác định khu vực bỏ phiếu là nội dung rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong khu vực thực hiện quyền bầu cử và việc này phải được kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, nếu không có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc sắp xếp số lượng cử tri đi bầu để xác định khu vực bỏ phiếu và dễ dẫn đến sai sót, vi phạm trong bầu cử”, Đại biểu Nguyễn Văn Huy chỉ rõ.

Đọc thêm