Sáng 19/5, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết 60 Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã quyết nghị chính quyền địa phương sẽ tổ chức theo 2 cấp, kết thúc hoạt động của cấp huyện. Sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành.
Đến nay, cả nước có 10 địa phương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Đắk Lắk (liên quan đến TP Buôn Ma Thuột) và Cần Thơ đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các luật, nghị quyết riêng của Quốc hội.
Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP HCM và Cần Thơ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc sáp nhập cấp tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện sẽ dẫn tới thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý cũng như quy mô dân số, địa vị pháp lý của các địa phương. Do đó, cần có quy định chuyển tiếp việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp. Việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp ĐVHC 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương”.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập, gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây. Cùng với đó, các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau sắp xếp cấp xã tiếp tục được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, đặc thù tại địa phương sau sắp xếp không chỉ đơn thuần là mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, mà còn liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách.
Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách bảo đảm giữ nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.
Cũng có ý kiến đề nghị với các TP áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách trung ương - địa phương.
Chính phủ đề xuất bổ sung hơn 4.327 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng trình bày Tờ trình bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.
Theo đó, tổng nhu cầu bổ sung dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên (từ nguồn viện trợ không hoàn lại) năm 2025 cho các cơ quan là hơn 4.327 tỷ đồng.
Trong số này, Bộ Y tế dự kiến được bổ sung gần 4.081 tỷ đồng, để quyết toán hàng viện trợ cho phòng chống dịch COVID-19.
Còn lại là các Bộ, ngành khác, như Bộ Nông nghiệp và Môi trường gần 127 tỷ đồng để chi hỗ trợ bão Yagi; Bộ Khoa học và Công nghệ gần 19,2 tỷ đồng cho giáo dục đào tạo, dạy nghề; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gần 4,4 tỷ đồng…
Một số cơ quan khác như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là 9,6 tỷ đồng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là 6,7 tỷ đồng; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là 59,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai địa phương được đề nghị bổ sung dự toán là TP Đà Nẵng hơn 11,7 tỷ đồng và tỉnh Sơn La gần 8,9 tỷ đồng để chi đảm bảo xã hội và kinh tế trên địa bàn.