Chuyện “yêu sớm, cưới muộn”
Trong xã hội hiện đại, chuyện “yêu sớm, cưới muộn” có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Nếu như chuyện hẹn hò, tìm hiểu và quen biết nhau của các bạn trẻ rất dễ dàng, khi họ không chỉ quen nhau qua phương thức truyền thống mà nhiều mối tình còn được nên duyên thông qua mạng xã hội, ngược lại việc kết hôn lại vô cùng khó khăn. Có một thực tế là cả nam giới và nữ giới yêu nhau từ rất sớm, thậm chí rất sâu đậm nhưng khi nói đến chuyện cưới xin thì lại đắn đo, ngần ngại, dè dặt, hoài nghi, với nữ giới thì nguyên nhân chính là do áp lực về cuộc sống hôn nhân, trong khi nam giới cho biết họ né tránh vì gánh nặng kinh tế.
Đi kèm với câu “từ từ tính” khi nhắc đến chuyện kết hôn còn là hàng trăm lý do khác nhau. Một bộ phận người trẻ muốn dành thời gian ổn định về sự nghiệp, chăm lo về tài chính để làm nền tảng cho hôn nhân. Một bộ phận người trẻ khác lại có xu hướng muốn tận hưởng cuộc sống tự do, vui chơi, hưởng thụ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Cùng với đó, yêu cầu của người trẻ về hôn nhân cũng ngày càng cao, họ yêu cầu người bạn đời phải có sự hòa hợp với họ về tâm hồn, phải có nền tảng tài chính, sự nghiệp... Tất cả đều là những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ chưa suy tính đến việc kết hôn và cứ nhắc đến cưới vợ, lấy chồng thì họ cảm thấy lo lắng, áp lực.
Hôn nhân đến từ cái kết đẹp của tình yêu luôn là điều mà mọi người mong ngóng. Nhưng chính từ những suy nghĩ trên mà xu hướng tôn thờ chủ nghĩa độc thân, thích yêu không ràng buộc, lập gia đình muộn hay chỉ yêu nhưng không muốn kết hôn, tâm lý ngại đẻ, sợ đẻ,... của một bộ phận giới trẻ đã trở thành một câu chuyện bình thường trong vài năm gần đây.
Không phải bạn trẻ nào cũng đi theo xu hướng đó, trái ngược lại với một bộ phận giới trẻ nói trên, nhiều cặp đôi cho rằng việc chủ động kết hôn sớm thể hiện trách nhiệm của mình đối với bản thân và gia đình. Đồng thời, họ tin rằng kết hôn là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành và giúp họ tiến tới nhiều cột mốc lớn hơn trong đời.
Sau hơn 2 năm yêu nhau, M.Thư (22 tuổi, Ninh Bình) đã quyết định về chung một nhà với bạn trai bằng tuổi vào đầu năm 2023. Khi quyết định lấy chồng ở tuổi 22, thời điểm mà nhiều người cho rằng khá sớm, M.Thư đã nhận được không ít lời khuyên ngăn từ bạn bè đồng trang lứa rằng “đừng nên lấy chồng sớm”, “từ từ rồi hãy lấy”, “đi đâu mà vội”,… Thế nhưng, M.Thư và chồng vẫn quyết định đi tới hôn nhân khi cả hai đã thật sự sẵn sàng.
Giờ đây, sau gần một năm thành người đã có gia đình, M.Thư đã chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn khi đó của mình là hoàn toàn chính xác. “Sau khi cưới chồng ai gặp cũng bảo tôi sao khác nhiều thế, xinh đẹp, tươi vui và hồng hào hơn hẳn, tôi vẫn thường đùa đó là nhờ chồng chăm tốt. Nhưng nghĩ lại đúng là nhờ có chồng chăm thật. Trước kia ở trọ trên Hà Nội chỉ có một thân một mình, giờ đây có chồng bầu bạn, chăm sóc, việc to, việc nhỏ trong nhà đều chồng gánh vác. Nhiều lúc nghĩ biết thế lấy chồng sớm hơn”, M.Thư cười bảo.
Đối với M.Thư, trong hôn nhân khó khăn lớn nhất có lẽ là về tài chính, tuy nhiên, nếu như hai vợ chồng cùng nhau cố gắng, biết tính toán tài chính thì đó không còn là việc khó. Những vấn đề khác như mất sự tự do, ít cơ hội để trải nghiệm tuổi trẻ hơn… không phải là điều khiến cô và chồng bận tâm. Ngoài ra, khi chấp nhận sống chung với một người, bỏ đi những thú vui và cuộc sống cá nhân, đó là một sự trưởng thành, không phải nông nổi. Được biết, một năm tới, gia đình M.Thư đang có kế hoạch sinh em bé và cả hai vợ chồng đang rất háo hức với dự định này.
Lên kế hoạch cho việc lập gia đình vào năm 25 tuổi ngay từ khi còn đang học đại học, năm nay T.Vân (25 tuổi, Hà Nội) đã hoàn thành mục tiêu của mình. Được bạn bè ngưỡng mộ với mối tình từ năm nhất đại học, để tiến đến cột mốc quan trọng trong cuộc đời, hai vợ chồng đã đợi 6 năm cho một hạnh phúc viên mãn. Đối với T.Vân, 6 năm là khoảng thời gian vừa đủ để thấy đôi bên cùng đồng điệu về cách sống và suy nghĩ, quan trọng nhất là cả hai đều cảm thấy đã đủ yêu thương để ký với nhau hẹn ước trăm năm.
Cũng trong thời gian đó, cả hai đều tự hoàn thiện bản thân và xây dựng cho mình các mục tiêu phải hoàn thành trước khi kết hôn, như là có công việc lâu dài, tài chính ổn định, có khoản tiền tiết kiệm,... “Nhờ dự định kết hôn vào năm 25 tuổi mà tôi và chồng đã sớm có cuộc sống ổn định và chuyên tâm phát triển kinh tế. So với các bạn đồng trang lứa thời điểm đó vẫn còn loay hoay xác định ước mơ, mục tiêu là gì, tôi và chồng đã xác định và hoạch định sẵn mình sẽ làm gì ngay khi rời ghế nhà trường. Đương nhiên mọi dự định đều không đi đúng hướng, vẫn có khó khăn xảy đến nhưng nghĩ đến việc sẽ được về chung một nhà là chúng tôi vượt qua hết”, T.Vân chia sẻ.
Vận động kết hôn trước tuổi 30
Xu hướng thay đổi tuổi kết hôn và mức sinh đang để lại nhiều thách thức về dân số cần phải giải quyết ở nước ta. Trong đó, đáng lo ngại nhất là thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Hiện, cả nước có 33 tỉnh, thành có mức sinh cao; 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.
Trong bối cảnh đó, để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, rất nhiều giải pháp đã được đề xuất để điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, việc vận động nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi, hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được xem là “chìa khoá” để khuyến khích việc sinh đẻ tại các vùng có tỷ lệ sinh thấp.
Theo các chuyên gia, việc nam, nữ kết hôn và có con trước 30 tuổi sẽ đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần và hạnh phúc gia đình cho các cặp vợ chồng. Ở độ tuổi từ 20 - 34 tuổi, người phụ nữ dễ dàng thụ thai bởi cơ thể khỏe mạnh, ít gặp các bệnh mạn tính, ít gặp các bệnh phụ có thể ảnh hưởng tới việc mang thai. Hơn nữa, giai đoạn này người phụ nữ đã chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức, thể chất, khả năng sinh sản, tinh thần, tài chính và trách nhiệm để sẵn sàng làm mẹ. Có thể nói, đây là độ tuổi tốt nhất để sinh con. Bên cạnh đó, ở độ tuổi 20 - 34, nam giới cũng hội tụ được tất cả yếu tố thuận lợi cho việc sinh con.
Sinh con ở độ tuổi này, đa số mang thai, sinh con sẽ cho ra đời những đứa trẻ thông minh, ít xảy ra tai nạn sản khoa. Sau 30 tuổi đàn ông không tránh khỏi thay đổi về sinh lý. Phụ nữ cũng vậy, từ sau 35 tuổi trở đi, cơ thể của người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố, số lượng, chất lượng trứng suy giảm, kể cả sức đề kháng, hệ miễn dịch cũng bắt đầu suy giảm nên ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng như chất lượng thai kỳ. Từ đó, việc sinh con gặp khó khăn, thậm chí nguy cơ vô sinh càng cao, xác suất mang thai càng ngày càng thấp, dị tật bẩm sinh ngày càng lớn do trẻ em bị khuyết tật.
Việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người. Tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định việc kết hôn, sinh con, bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đối với các bạn trẻ kết hôn sớm, đời sống hôn nhân của họ chính là minh chứng cho thấy người trẻ kết hôn sớm vẫn có thể hạnh phúc. Với quan niệm “an cư mới lạc nghiệp”, kết hôn sớm để đánh dấu sự trưởng thành và hướng tới một tương lai ổn định, đồng thời thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.