Văn hóa cất nhắc

(PLO) - Quốc hội đang bàn chuyện đại sự, quốc kế dân sinh nhưng chung quy lại vẫn là chuyện xây dựng con người, tổ chức cán bộ, quản trị đất nước, quản lý xã hội, cho dù là bàn về một điều luật cụ thể cho đến việc bấm nút thông qua một quyết sách quan trọng, từ việc không để tình trạng người bị oan phải viết đơn yêu cầu xin lỗi đến trách nhiệm đền bù thiệt hại của cá nhân người tiến hành tố tụng để xảy ra tình trạng này.
Ảnh Báo Tuổi trẻ cười
Ảnh Báo Tuổi trẻ cười

Ngay phiên khai mạc, trong Báo cáo của Chính phủ đã đề cập rõ ràng, địa chỉ cụ thể của những địa phương có tình trạng tuyển biên chế, bổ nhiệm nhiều người nhà trong bộ máy công quyền và có những biện pháp kiểm tra, xử lý. Một lần nữa, tại nghị trường lại vang lên tiếng nói về một thực trạng nhức nhối trong công tác tổ chức cán bộ, đó là các “tiêu chuẩn” để cất nhắc, đề bạt là “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ”, nhưng ưu tiên hàng đầu này được áp dụng đại trà thì đâu còn chỗ cho “trí tuệ” nữa!

Như một hiệu ứng, giới truyền thông tiếp tục “cung cấp” các địa chỉ cơ quan mà ở đó tập trung quá nhiều “hậu duệ”. Chẳng hạn, tại cơ quan Huyện Đoàn tại tỉnh Nghệ An có tỷ lệ 6/7 cán bộ ở đây thuộc thành phần “con ông cháu cha”, những bậc “tiền bối” này hoặc đã nghỉ hưu, hoặc vẫn đang đương chức.

Trên mạng xã hội cũng tham gia vào đề tài này khá sôi nổi. Ở một trang cá nhân đăng tải cả một danh sách dài, thống kê toàn bộ người nhà của Bí thư Tỉnh ủy với danh tính, chức vụ, đơn vị và cơ quan công tác. Đến cả gia đình thông gia của ông Bí thư này cũng có nhiều người có chức vụ tại bộ máy chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

Qua những vụ việc “hậu duệ” bị phát giác, một công thức “cha truyền, con nối” khá thịnh hành là bố làm Bí thư Huyện ủy thì con làm Bí thư Huyện Đoàn, nếu là con gái thì có chân lãnh đạo Hội Phụ nữ. Dường như các vị trí đoàn thể là nơi tiến thân tốt nhất của lớp trẻ “con ông cháu cha” và là địa chỉ gửi gắm đầy hứa hẹn của các ông bố quan chức. Điều này cũng dễ hiểu vì Đoàn thanh niên thì cần những thủ lĩnh trẻ tuổi và luôn luôn có một chân “mặc định” trong cấp ủy, người ngoài và người tài khó mà chen chân vào những chỗ “thơm” như thế. Thêm nữa, công tác đoàn thể không cần tài lớn, chỉ cần tài lẻ, không cần bằng cấp và học vị, kết quả công việc không định lượng, định tính được bởi có tính chất phong trào, có thời gian và cơ hội học tại chức,... Nhưng điều kiện đó rất tốt cho việc “tập ấm”.

Rồi cũng có cách giải thích của những người trong cuộc về sự xúm xít của người nhà trong bộ máy công quyền ở cùng một chỗ, khi cái gọi là “đúng quy trình” đã trở nên nhàm chán thì có cách giải thích khác như “yêu quê”, “muốn cống hiến cho quê hương”,... Thật sự, cách giải thích của các vị chỉ là sự bao biện chẳng mấy ai tin, nó cũng na ná như tàu vỏ thép bị han gỉ là “do nước biển quá mặn”, máy móc bị trục trặc là “do ngư dân không vận hành đúng quy trình kỹ thuật” vậy thôi!

Chúng ta đã thực hành việc “nhìn thẳng, nói thật”, quan trọng hơn là phải hành động để xóa bỏ sự trì trệ trong bộ máy công quyền – nhân tố kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây ra những bất công tiềm tàng cho xã hội.

Đọc thêm