Hiện nay, không hiếm gặp hình ảnh các tài xế của các hãng xe công nghệ vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo vỉa hè, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, sử dụng điện thoại, thậm chí xem phim khi điều khiển phương tiện… Hiện tượng này khiến một bộ phận người tiêu dùng quyết định “tẩy chay” với hãng xe, thậm chí chuyển sang phương tiện đi lại khác bởi lo ngại mất an toàn giao thông cho chính mình.
Nhiều hãng xe công nghệ đã quyết định thắt chặt việc xử lý hành vi vi phạm luật giao thông của các đối tác tài xế vi phạm giao thông thường xuyên, trong đó mức phạt cao nhất là khoá tài khoản vĩnh viễn. Đại diện hãng Gojek và Grab cho biết, hình thức xử lý cao nhất của hai hãng này với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các tài xế là khóa tài khoản vĩnh viễn. Đối với hãng Be, các tài xế xe công nghệ vi phạm lần 1 sẽ bị cảnh báo và khóa tài khoản 3 ngày; vi phạm lần 2 sẽ khóa tài khoản 7 ngày; vi phạm lần thứ 3 sẽ khóa tài khoản vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, hầu hết các hãng xe công nghệ đều yêu cầu các đối tác tài xế khi đăng ký gia nhập phải trải qua một khoá đào tạo hoặc chương trình tập huấn, trong đó có các quy tắc cộng đồng trước khi hoạt động chính thức trên đường. Do đó, trước tình trạng tài xế vi phạm giao thông thường xuyên, nhiều người dân cho rằng các cơ quan chức năng và các hãng xe công nghệ phải tăng cường “thắt chặt”, xử lý hành vi vi phạm của những đối tượng này, bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, răn đe những đối tượng khác và bảo vệ chính uy tín của hãng. Việc lơ là trong quản lý văn hoá giao thông của tài xế có thể khiến những khách hàng từng thân thiết cũng “quay lưng” với hãng xe.
Đối với các doanh nghiệp vận tải, một vấn nạn nhức nhối khác là tình trạng tài xế uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích khi đang lái xe, nhiều trường hợp đã gây ra những tai nạn thảm khốc. Theo nhiều người, để xảy ra những tai nạn đáng tiếc như vậy, doanh nghiệp cũng có phần trách nhiệm khi không quản lý sát sao tình trạng sức khoẻ và văn hoá giao thông của các tài xế. Việc doanh nghiệp vận tải chủ động ngăn chặn tài xế vi phạm có vai trò rất quan trọng với chính uy tín doanh nghiệp, sự an toàn của tài xế, cũng như của những người tham gia giao thông khác.
Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội thảo khảo sát xây dựng mô hình kinh doanh theo mục tiêu phát triển bền vững để ngăn ngừa tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn qua hơi thở và hỗ trợ giáo dục tại Việt Nam. Theo đó, bên cạnh các biện pháp từ các cơ quan chức năng để ngăn ngừa lái xe vi phạm nồng độ cồn như truyền thông giáo dục; cưỡng chế vi phạm và điều tra xử lý, xử phạt vi phạm hành chính…, chính các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cũng cần chủ động trang bị sử dụng máy đo nồng độ cồn, kiểm tra chặt chẽ đối với các lái xe trước khi tham gia giao thông.
Tại Hội thảo, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Phạm Việt Công nhấn mạnh: “Kiểm tra nồng độ cồn ngay từ các doanh nghiệp vận tải là hết sức cần thiết, qua đó mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng được ý thức, văn hóa tham gia giao thông”.
Ông Lê Anh Nam - Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết: “Với khoảng 3.000 lái xe phục vụ hành khách hằng ngày, Transerco luôn đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị phối hợp với đối tác từ Nhật Bản triển khai máy đo nồng độ cồn tại xí nghiệp. Hệ thống này sẽ chụp ảnh ngay khi thổi nhằm tránh gian lận, đồng thời gửi email (thư điện tử) trực tiếp cho đơn vị quản lý và tự động tổng hợp dữ liệu, giúp cho việc quản lý đội ngũ mái xe trở nên dễ dàng hơn”.