Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, Người chỉ rõ: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy đó đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Những tư tưởng “soi đường” về văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Với Người, xây dựng nền văn hóa, không chỉ thuần túy quan tâm đến ngành hay lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội. Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”…

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, tiến hành phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn về vai trò của văn hóa và việc phát huy nguồn lực văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7/1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Để cụ thể hóa việc phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa. Trong đó, Nghị quyết đề cập đến chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế.

Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Bước phát triển trong quan điểm của Đảng về văn hóa thời kỳ này là nhấn mạnh mục tiêu hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2011) của Đảng đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhận thức mới có tính đột phá của Đảng về nguồn lực văn hóa đối với phát triển được thể hiện ở việc khẳng định vai trò của văn hóa trong chính trị và trong kinh tế. Chính trị và kinh tế là hai lĩnh vực then chốt của xã hội phải được đặt trên nền tảng văn hóa và phải phát huy vai trò của nguồn lực văn hóa đối với việc phát triển hai lĩnh vực trên. Đảng nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012) cũng khẳng định quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững; nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững; cần đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân…

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, cụ thể hóa các đột phá chiến lược này cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Là chủ đề của cuộc triển lãm quy mô do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH,TT&DL phối hợp tổ chức nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021. Sự kiện diễn ra từ ngày 16-27/11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), ngày 24/11 tại Nhà Quốc hội và trưng bày online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ 16/11 - 31/12.

Gần 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật đặc biệt với các chuyên đề: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, có thể nói triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã mang tới một cái nhìn về diện mạo tổng quát cũng như những điểm nhấn về quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường”.

Hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam là những điểm nhấn quan trọng tại triển lãm. Khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa, triển lãm trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Người về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học Việt Nam như Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Sách “Con người xã hội chủ nghĩa”, xuất bản năm 1961…

Nhiều hiện vật đã nhuốm màu thời gian, năm tháng nhưng ở đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị của những bài học lịch sử, những thông điệp “truyền lửa” sức mạnh, niềm tin từ văn hóa. Hay như lời của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Lễ khai mạc triển lãm: “Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được chuẩn bị công phu, có quy mô lớn giới thiệu tới đông đảo công chúng những nội dung cốt lõi về sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc, tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

“Để từ đó nhận thức sẽ chuyển thành hành động thiết thực triển khai một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh. Hồng Minh

Đọc thêm