Văn hóa & Pháp luật

Văn hóa pháp đình - sự tôn nghiêm, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn hoá pháp đình được hiểu là cách ứng xử, nói năng, phát ngôn của các bên tại phiên toà và nhiều vấn đề khác liên quan… Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, văn hoá pháp đình ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Văn hoá pháp đình là vấn đề cần được coi trọng và nâng cao hơn nữa. (Ảnh minh họa)
Văn hoá pháp đình là vấn đề cần được coi trọng và nâng cao hơn nữa. (Ảnh minh họa)

Để nâng cao văn hoá pháp đình, rất cần sự tham gia của nhiều bên để cùng hướng đến một mục tiêu đảm bảo văn hoá pháp đình, qua đó thể hiện được sự tôn nghiêm, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam.

Muôn kiểu coi thường văn hóa pháp đình

Đương sự, người nhà lớn tiếng huyên náo phiên toà, luật sư tranh luận xúc phạm đồng nghiệp, ví von khó nghe... đó là những “hạt sạn” chốn pháp đình đã và đang được nhìn thấy.

Đơn cử, ngày 24/9/2019, TAND TP Vĩnh Long đưa ra xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Nguyễn Đức H và bị đơn Trần Thị N. Trong quá trình Hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án thì bà N thực hiện hành vi gây rối, làm mất trật tự phiên tòa bằng cách la hét, dùng lời thô thiển xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông H. Đồng thời, bà N nhiều lần xông đến vị trí ông H khiến lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải liên tục can ngăn.

Ngày 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng pháp luật, đã được thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm 4 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022. Theo Pháp lệnh, có 3 nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó bao gồm cả hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.

Việc gây rối kéo dài khoảng 20 phút khiến HĐXX không thể tiến hành làm việc. Đến khi đương sự rời khỏi phòng xử án thì HĐXX mới tiếp tục xét xử được. Vì hành vi “trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử; gây mất an ninh trật tự tại TAND TP Vĩnh Long; gây hoang mang, bức xúc của những người tham dự phiên tòa”, sau đó bị cáo Trần Thị N bị xử phạt 9 tháng tù theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 21/5/2014, người nhà bị cáo Ngô Thị Ngọc H ngụ ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã gào thét, quậy phá tại TAND tỉnh Bình Phước. Khi bị cáo được lực lượng hỗ trợ tư pháp dẫn giải ra xe chuyên dụng chở về trại tạm giam thì bất ngờ bà Ngô Thị Ngọc U (chị ruột của bị cáo H) đứng giữa sân gào thét, chửi rủa vì cho rằng bị cáo bị oan.

Dù được lực lượng công an và bảo vệ khuyên giải nhưng bà U vẫn không chịu rời đi, mà còn lăng mạ HĐXX và công an đang làm nhiệm vụ, buộc lực lượng công an hỗ trợ tư pháp phải dùng biện pháp cưỡng chế, đưa người phụ nữ này lên xe chở về UBND phường để xử lý hành vi vi phạm...

Không chỉ người dân bình thường mà ngay cả những người được uỷ quyền tham gia tố tụng cũng thiếu văn hoá ứng xử nơi toà án. Trường hợp Trần Thị Ngọc N ở Bình Thuận là ví dụ.

Theo bản án, bà N được ủy quyền tham gia tố tụng và giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ án dân sự “Tranh chấp về tài sản chung sau ly hôn” do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm ngày 23/5/2018. Mặc dù đã được TAND tỉnh giải quyết, nhưng bà N không thực hiện quyền của mình theo trình tự pháp luật, mà nhiều lần đến trụ sở TAND tỉnh gây rối, chửi bới, xúc phạm các thẩm phán, chánh án TAND tỉnh.

Chiều 23/3/2021, TAND TP Phan Thiết (Bình Thuận) tuyên án 9 tháng tù giam đối với bị cáo Trần Thị Ngọc N (44 tuổi, ngụ TP HCM; tạm trú phường Mũi Né) cho hành vi hai lần đến TAND tỉnh Bình Thuận quậy phá, chửi bới rồi phát lên mạng xã hội...

Với giới luật sư ở chốn pháp đình cũng có không ít vấn đề nổi cộm. Không hiếm trường hợp luật sư tranh luận xúc phạm đồng nghiệp, ví von khó nghe... mà quên mất rằng là luật sư thì bên cạnh việc tôn trọng pháp luật còn cần tôn trọng quy tắc nghề nghiệp trong Bộ quy tắc ứng xử của Luật sư. Ở phiên toà có thể là đối tụng với nhau nhưng ra ngoài vẫn là đồng nghiệp, cần giữ gìn hình ảnh luật sư.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên PLVN, Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Theo tôi, luật sư tranh luận về luật pháp, trí tuệ chứ không phải đối đầu bằng thái độ tranh cãi, thù hằn nhau. Điều đó không thể hiện tính chuyên nghiệp. Bởi với luật sư, hôm nay anh bảo vệ bị cáo, ngày mai anh bảo vệ bị hại, không thể vì mục đích một bên mà có thái độ miệt thị, coi thường người bên kia”.

Làm gì để nâng cao văn hoá pháp đình?

Theo Luật sư Lê Văn Kiên, văn hoá tố tụng nói chung và văn hoá pháp đình nói riêng được thể hiện ở giữa các luật sư, luật sư với các bị cáo và giữa những người tham gia tố tụng với HĐXX.

Văn hoá tố tụng trước hết phải tôn trọng pháp luật theo sự điều hành của chủ toạ phiên toà. Thứ hai là phải có thái độ làm việc tôn trọng lẫn nhau bởi mục đích chính vẫn là bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật, nói rộng hơn là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, trong quá trình đối đáp tại phiên toà, luật sư và đại diện Viện kiểm sát không được sử dụng từ ngữ mang tính chất mạt sát, hạ thấp danh dự, miệt thị nhau mà phải sử dụng ngôn từ có văn hoá. Điều này là đạo đức nghề nghiệp được thể hiện trong Bộ quy tắc ứng xử của Luật sư.

Ở góc độ khác, Thẩm phán Trần Nam Hà - Phó Chánh toà hình sự TAND Hà Nội nhận định, văn hoá pháp đình bao gồm cách ứng xử, nói năng, phát ngôn khi tham gia phiên toà và nhiều vấn đề khác, như chấp hành sự điều hành của chủ toạ…

Từng tham gia rất nhiều phiên toà, ông Hà cho rằng văn hoá pháp đình ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, chuyện cãi chửi nhau, thậm chí lăng mạ cả người thi hành công vụ ở toà vẫn diễn ra mặc dù đã có quy tắc ứng xử tại phiên toà, thậm chí từng ngành như luật sư, kiểm sát cũng có quy định riêng.

Để nâng cao văn hoá pháp đình, theo Thẩm phán Trần Nam Hà, lực lượng hỗ trợ tư pháp cần túc trực tại phiên toà để áp dụng nghiêm các lệnh của chủ toạ phiên toà như yêu cầu mọi người rời phiên toà, bắt giữ hoặc xử phạt hành chính người có hành vi gây rối phiên toà. “Trước hết, những người tiến hành tố tụng cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định pháp luật. Sau đó, phổ biến cho những người tham dự phiên toà, có như vậy mới có thể nâng cao văn hoá pháp đình” - Thẩm phán Trần Nam Hà nhấn mạnh.

Đọc thêm