Văn hóa Sa Huỳnh thành di tích quốc gia đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quyết định công nhận di tích văn hóa Sa Huỳnh được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 29/12, căn cứ theo Luật Di sản văn hóa và đề nghị của Bộ VH,TT&DL.

Văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện năm 1909 ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua nhiều đợt khai quật đã phát hiện khoảng 500 mộ chum và nhiều đồ tùy táng của nền văn minh tồn tại 2.000 -3.000 năm trước.

Năm 1997, di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích quốc gia với hai khu vực được bảo vệ là Phú Khương và Gò Ma Vương (xã Phổ Thạnh và Phổ Khánh). Đến 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt với văn hóa Sa Huỳnh, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có dự án điện mặt trời trên vùng lõi di tích, nên hồ sơ bị gác lại.

Mới đây, Quảng Ngãi đã dừng dự án điện mặt trời, tiếp tục lập hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL. Theo đó, di tích văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 điểm di tích: Long Thạnh (Gò Ma Vương), Phú Khương, Thạnh Đức, đầm An Khê và lạch An Khê, quần thể di tích Chăm Pa, thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh.

Các nhà khoa học nhận định, giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt ở quần thể này vẫn còn nguyên vẹn với tính xác thực cao... Từ đó có thể xây dựng khu di tích văn hóa Sa Huỳnh thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đợt này, ngoài di tích văn hóa Sa Huỳnh, Thủ tướng còn công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt khác gồm: di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (An Khê, Gia Lai); di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (Nam Đàn, Nghệ An; di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc (Cai Lậy, Tiền Giang).