Văn học hiện thực trước 1945 bước vào... truyện tranh

 Gần đây, trào lưu “truyện tranh hóa” tác phẩm văn học đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngay cả các tác phẩm hiện thực trước 1945 cũng được đưa “vào cuộc”. Vấn đề này thu hút được nhiều ý kiến trái chiều

Gần đây, trào lưu “truyện tranh hóa” tác phẩm văn học đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngay cả các tác phẩm hiện thực trước 1945 cũng được đưa “vào cuộc”. Vấn đề này thu hút được nhiều ý kiến trái chiều

Chí Phèo, chị Dậu thành nhân vật truyện tranh

Cho đến nay, bộ “Danh tác Việt Nam” do Công ty (Cty) Phan Thị thực hiện và phát hành đã cho “ra lò” bốn truyện tranh: “Chí Phèo” (nguyên tác của nhà văn Nam Cao, ấn bản đầu tiên, được xuất bản tháng 6/2010), “Tắt Đèn 1”, “Tắt đèn 2” (Ngô Tất Tố), “Giông tố” (Vũ Trọng Phụng).

Bước đầu, bộ truyện này được bạn đọc nhỏ tuổi và cả người lớn đón nhận một cách khá nồng nhiệt, trước hết là vì tò mò xem những tác phẩm hiện thực nổi tiếng từng được học trên ghế nhà trường hóa thân vào truyện tranh như thế nào.

Bìa hai tập truyện tranh “Tắt đèn” và “Chí phèo”
Bìa hai tập truyện tranh “Tắt đèn” và “Chí phèo”

Trên một diễn đàn dành cho truyện tranh thiếu nhi, nhiều ý kiến từ phía các em học sinh đã cho rằng, trước kia chưa quan tâm nhiều đến tác phẩm nguyên gốc, sau khi đọc truyện tranh xong mới tìm đọc lại cho rõ. Nhiều người đọc cũng đồng tình ủng hộ, cho đó là hướng đi khá “sáng” của Phan Thị nhằm làm phong phú thị trường truyện tranh hiện nay, đồng thời giúp học sinh hiểu và cảm thụ các tác phẩm văn học mà các em vẫn có cảm giác “bị” bắt phải đọc, học, theo một con đường khác, dễ tiếp nhận hơn.

Đại diện Phan Thị thì cho biết, với bộ truyện tranh này, họ hy vọng mang lại luồng gió mới cho thị trường truyện tranh Việt Nam, đồng thời đây là một “dự án lớn, hướng đến mong muốn thay đổi tư duy tiếp nhận tác phẩm văn học của một thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường”.

Cũng trong trào lưu này, một loạt tác phẩm văn học dành cho lứa tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (“Bồ câu không đưa thư”, “Nữ sinh”, “Bong bóng lên trời”...) và Bùi Chí Vinh (“Năm Sài Gòn”) đã được chuyển thể thành truyện tranh, được nhiều độc giả trẻ đón nhận.

Bộ “Danh tác Việt Nam” được thực hiện trắng đen, do một nhóm họa sĩ gồm ba người còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8x vẽ.

Manga hóa nhân vật Việt?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, có rất nhiều phàn nàn, tập trung vào nét vẽ và ngôn ngữ của truyện. Theo ý kiến nhiều độc giả, nếu nhìn vào hình vẽ mà không đọc chữ, có thể nhầm lẫn các truyện tranh trong serie “Danh tác Việt Nam” là... truyện Nhật bởi nét vẽ bị “manga hóa quá mức”.

Trên diễn đàn của học sinh trường Nguyễn Thái Bình, nhiều em đã có ý kiến như sau: “Chị Dậu gì mà trẻ măng, mắt to, tròn, long lanh, mặt đẹp như các cô nữ sinh trong truyện Nhật. Chí Phèo thì na ná các vai... hung thần vẫn thấy trong các manga gần đây”; “Nét vẽ của “Danh tác Việt Nam” không phù hợp với nội dung của các tác phẩm nguyên tác cho lắm, vì quá sắc nhọn, chi tiết vẽ và ngoại hình nhân vật không “thuần Việt” cho lắm”...

Còn các bậc người lớn thì lo lắng cho nội dung và ngôn ngữ của truyện. Một giáo viên cấp 3 cho biết: “Tôi ủng hộ việc chuyển thể tác phẩm văn học hiện thực thành truyện tranh, để học sinh có thể tiếp cận một cách dễ dàng và gần gũi hơn. Nhưng những quyển truyện tranh tôi đang đọc đây có vẻ... không giữ được tình thần nguyên tác lắm. Tôi rất e ngại khi nhân vật truyện phát ngôn bậy và tục hơn rất nhiều so với nhân vật trong nguyên tác. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ của các em học sinh khi đọc truyện”.

Cách sử dụng ngôn ngữ trong truyện mà các bậc giáo viên và phụ huynh e ngại, đó là những câu chửi thô bậy ở nông thôn Việt Nam xưa được “ứng dụng” khá rộng rãi trong tác phẩm truyện tranh như “cha tiên sư bố mày”, “ông chửi ba đời nhà mày”, và cả... “cứt nát còn có chóp”! Những e ngại này hẳn nhiên là hoàn toàn thỏa đáng.

Như đã nói ở trên, tác giả thực hiện bộ truyện này là một nhóm họa sĩ gồm ba người còn rất trẻ, người lớn nhất chỉ sinh năm 1984. Có lẽ tư duy trẻ trung, hiện đại của họ khi thể hiện trong tinh thần của truyện đã hơi quá và hơi xa so với nguyên tác.

Thiết nghĩ, việc đưa danh tác trở thành truyện tranh là một ý tưởng hoàn toàn đáng ủng hộ, cho việc mở rộng, làm phong phú truyện tranh Việt và đem lại một số ích lợi trong tiếp cận tác phẩm văn học (một mảng đang bị coi là yếu) đối với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, ở mức tốt nhất có thể, nhà sản xuất vẫn nên có sự tư vấn từ các nhà giáo dục, nhà nghên cứu văn học để cho ra đời bộ truyện vừa hấp dẫn các lứa tuổi, lại vừa thuần Việt hơn, và nhất là không có “sạn”.

N.Mai

Đọc thêm