Văn học mạng - cần thiết phải quản lý và sàng lọc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với số lượng người dùng Internet ngày càng tăng, “thế giới ảo” dễ trở thành “con dao hai lưỡi” đối với những người yêu thích đọc và viết tiểu thuyết. Đây vừa có thể là nơi ươm mầm tài năng sáng tạo nhưng cũng tiềm tàng nhiều nội dung trá hình trái thuần phong mỹ tục.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Không gian sáng tạo mới

Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ người dùng mạng Internet tại Việt Nam đã lên đến 77,93%, tăng 5,83% so với một năm trước. Theo thống kê vào năm 2022, mỗi người trung bình dùng Internet 5 - 7 tiếng/ngày. Sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet dẫn đến nhiều hoạt động giải trí, quảng cáo, buôn bán đều diễn ra trên môi trường “ảo”. Ngay cả việc đọc sách, tìm tiểu thuyết cũng như vậy.

Thực tế đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của sách điện tử, sách nói. Năm 2022, ở Việt Nam, lượng sách điện tử tăng 59% so với năm 2021. Ngành sách hình thành một số thị trường mới như: sách nói với doanh thu gần 100 tỷ; sách tóm tắt với trên 4.000 sản phẩm. Theo một thống kê, tại Việt Nam, có tới 18,9 triệu người chọn đọc sách, báo bằng thiết bị điện tử. Số lượng người đọc sách, tiểu thuyết bằng ứng dụng cũng lên tới 2,6 triệu người dùng.

Môi trường mạng trở thành một “động lực” để giúp đỡ những người trẻ yêu thích đọc truyện, sáng tác văn học có thể tự do, thoải mái tạo ra các tác phẩm của riêng mình. Thay vì phải đem bản thảo được chỉnh sửa, viết lách công phu đến nhà xuất bản đợi kiểm duyệt, phản hồi và có thể bị trả lại vì nhiều lý do, thì mạng xã hội tạo ra một “không gian” để tiểu thuyết được người đọc tự đánh giá.

Không ít tác giả trẻ đã rèn luyện kỹ năng viết lách ở trên mạng bằng những trang blog, web truyện hoặc ngay trên các trang mạng xã hội. Đây cũng là cách để “giúp đỡ” các nhà xuất bản tìm được những cuốn tiểu thuyết hay và khảo sát xu hướng đọc của độc giả. Tại một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời từ văn học mạng. Một nhà văn giỏi ở Trung Quốc có thể kiếm được trên 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,23 tỉ đồng)/năm. Trang web của Cloudary, Qidian.com từng thông báo ký hợp đồng với 10 tác giả với thù lao một năm hơn 1 triệu nhân dân tệ và 100.000 nhân dân tệ/năm với 100 nhà văn khác.

Còn đối với những độc giả, văn học mạng giúp họ có quyền được tự lựa chọn thể loại văn học yêu thích. Trên một số web truyện, mỗi tác phẩm sẽ được giới thiệu, sắp xếp dựa theo lượng người đọc ít hay nhiều. Điều này phần nào cho thấy sự tích cực của văn học Việt Nam đương đại, đang phát triển theo hướng dân chủ hóa, góp phần làm đa dạng hóa diện mạo của nền văn học.

Cần lọc “rác”

Đi kèm với những tiềm năng mà văn học mạng mang lại là rủi ro về các vấn đề như bản quyền, kiểm soát nội dung trên mạng. Theo một số liệu nghiên cứu về người trẻ vào năm 2020, tỷ lệ người chọn các trang web là nguồn đáng tin cậy về việc làm, giáo dục chiếm 57% và 51% người chọn mạng xã hội.

Phần lớn tiểu thuyết mạng tại Việt Nam hiện nay là những câu chuyện dễ đọc, dễ hiểu, viết về một số chủ đề dễ gây chú ý cho độc giả như: tình cảm lãng mạn; tâm linh - kinh dị hoặc kỳ ảo; “huyền huyễn”... Những tiểu thuyết này được tác giả tự viết hoặc dịch từ nguồn nước ngoài. Một số trang web sẽ cho đọc miễn phí, một số sẽ thu tiền dựa vào lượt xem, tương tác của người đọc.

Với lượng lớn người dùng mạng xã hội chủ yếu là giới trẻ, trong đó có học sinh, những người chưa thể đánh giá nội dung của tác phẩm văn học, các em dễ bị tò mò, thu hút bởi những nội dung có yếu tố gây “sốc”, như vấn đề về giới tính, bạo lực... Các tiểu thuyết như vậy có thể dễ dàng tìm thấy trên web truyện và các công cụ tìm kiếm Internet, với nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Tiến sĩ Đoàn Hương đã chia sẻ với báo chí, truyền thông về vấn đề này: “Phải lọc lại toàn bộ các trang web về văn học, những trang lành mạnh cho tiếp tục phát triển, trang nào xấu xí, đồi trụy thì cần xóa ngay. Nếu giờ chúng ta nhắm mắt lại thì văn học xấu xí ấy sẽ phát triển “như nấm sau mưa”. Để họ phát triển có đường lối cẩn thận thì chúng ta có thể tìm thấy trong đó rất nhiều nhân tài”.

Thực tế, việc kiểm soát văn hóa phẩm trong thời kỳ công nghệ 4.0 không dễ dàng. Đặc biệt với văn học mạng, đây là một “thị trường” tự do, phần lớn không gắn liền với các nhà xuất bản hay công ty phát hành sách. Tác giả có thể ẩn danh khi sáng tác, truyện được viết, đăng tải trên những trang mạng xã hội, web truyện “lậu”. Việc thu hồi các văn hóa phẩm và xử phạt tác giả vi phạm là vô cùng khó khăn.

Theo pháp luật về xuất bản thì Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Chính vì vậy, khi tiểu thuyết mạng đã tồn tại trên các trang web thì mới có thể sàng lọc và phát hiện được những tác phẩm chứa nội dung sai lệch. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa người viết và các trang web có thể dễ dãi, thờ ơ trong việc kiểm soát nội dung truyện được đăng tải trên mạng. Theo khoản 1 Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 thì việc làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, có thể bị phạt từ 10 triệu cho đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.