Vẫn là 'mệnh lệnh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - COVID-19 vẫn là “bóng ma” ám ảnh thế giới. Sản xuất bằng được vaccine và thuốc trong nước để trị bệnh cứu người là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm...
COVID-19 vẫn là “bóng ma” ám ảnh thế giới.
COVID-19 vẫn là “bóng ma” ám ảnh thế giới.

Những ngày gần đây, báo chí đưa tin Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) cảnh báo, nếu virus SARS-CoV-2 có cơ hội tiếp tục biến đổi, nó có thể tạo ra một biến chủng virus mới, thậm chí dễ lây lan hơn Delta và chết chóc hơn Ebola. Hôm qua VTV cũng đưa tin những lo ngại về biến chủng mới Omicron khiến nhiều nước quyết định hạn chế đi lại với loạt quốc gia ở châu Phi.

Trong nước, F0, F1 diễn biến tăng tại nhiều địa phương. Tại TP HCM tỷ lệ phủ vaccine cao nhất nước nhưng gần đây số tử vong vẫn tăng. Tình hình cho thấy “cuộc chiến” chống COVID-19 tuy đã được chặn đứng ở Việt Nam nhưng chưa phải là thắng lợi cuối cùng.

Để chống dịch hiệu quả, vấn đề đặt ra là phải bao phủ vaccine tại cộng đồng, tiếp tục tăng cường hệ thống y tế. Hệ thống y tế có thể đáp ứng điều trị là một trong những tiêu chí của Nghị quyết 128/NĐ-CP của Chính phủ. Phát hiện ca mắc càng sớm càng tốt, chủ động đưa gói thuốc từ cơ bản đến gói thuốc diệt virus trong điều trị thí điểm đến với người dân càng sớm càng tốt. Không phải ai cũng ý thức được tiêm vaccine là yêu mình, yêu gia đình, cộng đồng đâu; vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa chủ động đi tiêm vaccine.

Để giảm tử vong, theo một chuyên gia y tế, cần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế tại y tế cơ sở nhanh nhất, sử dụng thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Chuyên gia này đánh giá đây là một trong những biện pháp nền tảng cơ bản.

Sáng thứ 7 tuần trước, khi chủ trì cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu sản xuất bằng được thuốc và vaccine COVID-19 trong nước, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và đúng pháp luật.

Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “0 COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy vaccine có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.

Sau 2 năm phòng, chống dịch, Việt Nam đã đúc rút được các nguyên lý phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị và phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, do vậy sản xuất bằng được vaccine và thuốc trong nước để trị bệnh cứu người là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm...

Có 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam, trong đó 2 loại vaccine do chính Việt Nam nghiên cứu phát triển, 2 loại vaccine khác được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và 1 loại được gia công đóng ống tại Việt Nam.

Cụ thể, Vaccine Nano Covax do các nhà khoa học của Công ty Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu, phát triển với liệu trình cách nhau 28 ngày. Hiện tại, công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y và Viện Pasteur TP HCM đã thử nghiệm giai đoạn 3. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 2 liều tiêm cho 13.000 người thử nghiệm giai đoạn 3, bước vào quá trình theo dõi, đánh giá vaccine và nộp báo cáo cho Bộ Y tế.

Vaccine COVIVAC: Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất. Trong đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị nhận thử nghiệm, Đại học Y Hà Nội là đơn vị triển khai thử nghiệm. Trong giai đoạn 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình là đơn vị phối hợp triển khai..

Vaccine Sputnik V: Công ty đối tác VABIOTECH bên phía Việt Nam đảm nhận gia công vaccine COVID-19 Sputnik V. Công ty VABIOTECH phụ trách gia công, đóng ống, đóng gói bao bì vaccine Sputnik V. Tất cả các mẫu xác nhận đầu tiên được lấy từ lô sản xuất thử nghiệm sẽ được chuyển đến Trung tâm Gamaleya (Nga) để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên vaccine thành phẩm sẽ do Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối.

Vaccine VBC-COV19-154: Arcturus Therapeutics (Mỹ), đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA, thoả thuận sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng COVID-19 có tên VBC-COV19-154. Nhà máy sản xuất vaccine của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, công suất 200 triệu liều mỗi năm.

VinBiocare đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị. Công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành, việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11/2021.

Theo lộ trình, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế Việt Nam đưa vaccine VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12/2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.

Vaccine tái tổ hợp Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein: Công ty Nhật Bản Shionogi đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 với hai công ty của Việt Nam là công ty MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất mọi hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm