Không chỉ cùng nhau phân tích thực trạng, giải pháp và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đại biểu tham dự hội thảo đến từ các cơ quan văn hóa còn có cơ hội được trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại đây.
công nghệ 4.0 sẽ giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút khách hơn |
Cụ thể, Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác QR Code); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI; ứng dụng tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet; Trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360; trải nghiệm tương tác 3D di sản tiêu biểu - Bia Tiến sĩ; tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê bằng công nghệ thực tế ảo 3D; chương trình “Đạo học Việt Nam” và Online Tour trực tuyến Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ 3D; Trải nghiệm Không gian nghệ thuật & 3D Mapping tại sân Thái Học.
Qua trải nghiệm các ứng dụng công nghệ được đưa ra trong khuôn khổ hội thảo, có thể nói sự chuyển đổi phương pháp và cách tiếp cận giải pháp công nghệ cũng như xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ để hoạt động của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, chính là một trong những cách thức hiệu quả để đối mặt với tác động và thách thức do bệnh dịch gây ra.
Trước đó, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa ra đề xuất xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa, có hệ sinh thái liên quan đến di tích này.