Văn minh mùa họp lớp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Càng gần ngày 20/11, những cuộc họp lớp được các cựu học sinh náo nức tổ chức. Bên cạnh niềm vui gặp lại thầy, cô giáo, bạn bè còn đó những nỗi lo khiến nhiều người e ngại khi tham gia các buổi họp lớp.
Họp lớp nên được tổ chức vui vẻ, thoải mái. (Nguồn: Ngô Hà Anh)
Họp lớp nên được tổ chức vui vẻ, thoải mái. (Nguồn: Ngô Hà Anh)

Muôn vàn câu chuyện “dở khóc, dở cười”

Những buổi họp lớp tưởng chừng sẽ diễn ra vui vẻ, hòa hợp, nhưng thực tế đang xảy ra biết bao tình huống “cười ra nước mắt”. Từ những cuộc họp lớp không ai đến tham dự cho tới buổi tụ họp “khoe của”, các thành viên say xỉn dẫn đến mất an toàn giao thông,...

Trần Tuấn Linh (35 tuổi, sinh sống ở TP HCM) cho biết, gia đình anh vốn ở Hà Nội, anh đến TP HCM để thuận tiện cho việc phát triển sự nghiệp. Ở tuổi 35, Linh có thu nhập khoảng 30 - 40 triệu/tháng, công việc ổn định, gia đình một vợ, hai con hạnh phúc. Tuy nhiên, mỗi năm, đến mùa họp lớp, anh vẫn còn e ngại, dè chừng. Tuấn Linh cho biết: “Tôi rất vui khi được gặp lại bạn cũ. Mỗi năm, cả lớp cấp II cũng chỉ có một lần gặp nhau. Đáng ra, đây là khoảng thời gian vui vẻ, nhưng lại vô tình bị một số thành viên biến thành “đại hội khoe của”.

Ban đầu, bàn tiệc xoay quanh những kỷ niệm cũ thời học trò. Nhưng sau đó, các thành viên trong lớp liên tục khoe nhà, xe, con cái, tiền lương, chức vụ. Mọi người bắt đầu so sánh với nhau. Ai có điều kiện thì tự hào, ai thua thiệt hơn phải chịu cảnh tự ti, lép vế. Cuối cùng, từ một buổi họp nhỏ, cả lớp anh sẽ tiếp tục cuộc chơi đi đến quán bar, những nhà hàng hạng sang để vui chơi. Linh tâm sự: “Tôi đã hy vọng những buổi họp lớp ấm áp, vui vẻ bên những người bạn, nhưng lại trở thành cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Vì vậy, vài năm trở lại đây tôi thường không bay ra Hà Nội họp lớp với lý do bận công việc”.

Câu chuyện khác thuộc về Nguyễn Phương Hằng (25 tuổi, Hà Nội), cô cho biết mình học cấp III ở một trường công có tiếng tại Hà Nội. Cả lớp có 43 người rất thân thiết, đoàn kết với nhau. Ngày bế giảng ai cũng khóc đỏ hoe mắt, hứa hẹn sẽ quay về trường ngày họp lớp thăm bạn bè, thầy cô. Nhưng đến ngày họp chỉ có Hằng là cán bộ lớp và một số thành viên khác độ 10 người quay trở về trường cũ.

Hằng cho biết: “Chúng tôi có một nhóm chat Zalo riêng, ban đầu khi tôi đăng tin lên nhóm, mọi người rất hào hứng thảo luận, hẹn ngày gặp lại. Tuy nhiên, cận kề tuần lễ 20/11, các thành viên trong lớp đều rút lui dần vì có những lý do riêng”. Thời còn học đại học, Hằng thông cảm cho các thành viên trong lớp bởi các bạn bận tập văn nghệ, kỷ niệm ngày nhà giáo tại trường. Nhưng sau khi đi làm, cuộc họp lớp vẫn lèo tèo độ chục người. Cô tâm sự: “Nhìn sang các lớp khác, thấy họ đi họp đông đủ, chúng tôi cũng chạnh lòng. Đành vậy, dù sao may mắn mỗi năm vẫn có độ 10 - 15 người đi họp lớp, thăm thầy cô, trường cũ, ôn lại kỷ niệm đẹp ngày xưa”.

Ngược lại câu chuyện của Phương Hằng, Đỗ Nhật Minh (30 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) “dở khóc, dở cười” cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng họp lớp, các thành viên tề tựu đông đủ. Cả lớp đông vui, đoàn kết, gặp nhau không phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiên, cứ đến giờ phút chia tay, cán sự lớp phải lo lắng gọi điện cho từng gia đình để kiểm tra các thành viên lớp đã về nhà an toàn hay chưa?”. Dù buổi họp mặt chỉ diễn ra vài tiếng, nhưng do ham vui, các thành viên thường uống quá chén dẫn đến say xỉn, nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Nhật Minh chia sẻ, vài năm trở lại đây, các buổi họp của lớp anh đều được ban cán sự thuê sẵn chiếc xe 45 chỗ. Anh hài hước nói: “Cả lớp gần 50 người sẽ cùng lên xe đi thăm các thầy cô, về trường cũ, sau đó đi ăn uống. Ăn uống xong xuôi, ban cán sự sẽ đưa từng người về tận nhà, đảm bảo không ai do say bia, rượu mà gặp rủi ro khi tham gia giao thông”.

Niềm vui từ những buổi họp lớp

Chị Ngô Hà Anh (45 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) tâm sự, năm 2023 trường cấp III của chị tại quê nhà Thái Bình có buổi gặp gỡ với học sinh cũ lớn để kỷ niệm gần 30 năm học sinh khóa chị ra trường. Cả khối lớp 12 năm ấy, ai cũng hào hứng về tựu trường. Tổng cộng có gần 200 học sinh quay về ngôi trường cũ. Chị Hà Anh hạnh phúc nói: “Chúng tôi không phân chia nhóm, không phân chia lớp. Ai gặp nhau cũng tay bắt, mặt mừng. Từ lúc chia tay khi tuổi còn đôi mươi, khuôn mặt non nớt, ngây thơ. Vậy mà khi gặp lại nhau, tóc chúng tôi đã hai màu. Có những người đã thành công, có những người còn vất vả mưu sinh, kiếm sống. Tuy nhiên, không phân biệt, chúng tôi đều cùng ca hát, gặp gỡ các thầy cô, tâm sự ôn lại kỷ niệm về mái trường xưa”.

Chị Hà Anh cho biết, quan trọng nhất mỗi cá nhân nên tự mở lòng, không tự ti, e ngại khi tham gia các buổi họp lớp. Chị tâm sự: “Tôi cũng có nhóm bạn cũ thân thiết vẫn còn giữ liên lạc. Nhưng không phải vì vậy, khi họp lớp chúng tôi chỉ tụ họp với nhau. Tôi xác định ngay từ đầu, đây là buổi gặp gỡ, chia sẻ với tất cả các cựu học sinh trong trường. Mỗi người có một cuộc đời, trải nghiệm sống thú vị, đây là cơ hội tôi hỏi thăm, quan tâm bạn bè, ôn lại kỷ niệm xưa”.

Cũng nhờ tâm lý cởi mở, vui vẻ, chị Hà Anh mở rộng vòng tròn bạn bè. Sau buổi họp lớp kết thúc, chị đã có thêm rất nhiều bạn mới. Chị cho biết: “Tôi có thêm gần 10 người bạn mới sau buổi họp lớp. Hiện nay, tôi vẫn đang liên hệ, trò chuyện và tương tác với họ. 20/11 sắp tới, chúng tôi sẽ cùng nhau về trường cũ thăm thầy cô, bạn bè”.

Văn minh họp lớp sẽ giúp các thành viên tham gia cảm thấy hạnh phúc khi gặp lại bạn bè cũ. (Ảnh minh họa - Nguồn: QTQV)

Văn minh họp lớp sẽ giúp các thành viên tham gia cảm thấy hạnh phúc khi gặp lại bạn bè cũ. (Ảnh minh họa - Nguồn: QTQV)

Anh Lê Anh Tú (55 tuổi, sống ở Hà Nội) chia sẻ, mỗi năm vào dịp họp lớp, cả lớp của anh cùng nhau thuê một resort ở ngoại ô thành phố Hà Nội. Buổi họp lớp sẽ diễn ra hai ngày, một đêm với nhiều hoạt động thú vị. Cả lớp sẽ có những buổi cắm trại, liên hoan, ăn uống, tâm sự, ôn lại những kỷ niệm xưa: “Phần lớn các thành viên đều đăng ký đi đông đủ. Những người không có điều kiện, ban cán sự lớp sẽ kín đáo hỗ trợ để các thành viên cùng chung vui”.

Anh chia sẻ: “Ban cán sự lớp sẽ thuê người tổ chức sự kiện, tạo các trò chơi gợi nhớ đến thời còn học trò như rồng rắn lên mây, đá cầu, nhảy dây. Những trò chơi giúp các thành viên xóa nhòa khoảng cách, gắn kết với nhau. Ngoài ra, chúng tôi có bữa tiệc liên hoan, ngay cả khi quá chén cũng không cần lo lắng việc tham gia giao thông”. Theo anh Tú, đây là một cách họp lớp kết hợp đi du lịch, nghỉ dưỡng rất thú vị, đảm bảo an toàn cho mọi người.

Đối với trường hợp Minh Chi (22 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết, sau những lần họp lớp thất bại. Cô chuyển hướng sang họp những nhóm nhỏ, tập trung các cựu học sinh có mong muốn về trường cũ thăm thầy, cô giáo. Minh Chi chia sẻ: “Không nhất thiết phải cùng lớp, cần cùng trường, cùng khối, chúng tôi sẽ hẹn nhau về thăm lại mái trường xưa. Nhóm có khoảng 10 người, nhưng ai cũng rất nhiệt tình”. Chi tâm sự, ban đầu chỉ cô chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn từng dạy lớp nhớ đến cô. Nhờ cùng về trường với các học sinh khác, hiện nay, phần lớn các thầy cô trong trường cấp III đều nhớ Minh Chi.

Cô chia sẻ: “Đến ngày 20/11, tôi lại về trường trong vòng tay yêu thương của rất nhiều thầy, cô giáo. Chúng tôi cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Tôi sẽ chia sẻ cuộc sống hiện tại của mình. Tôi nhận được những lời động viên, lời khuyên chân thành từ các thầy cô”.

Thực tế, với xã hội ngày càng phát triển, buổi họp lớp vì vậy mang nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, khi đã bước qua cánh cửa cuộc họp, bất cứ ai cũng sẽ quay trở về thời học sinh áo trắng, bỏ lại hết công danh, chức tước ở ngoài. Bởi mỗi người có số phận khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, xuất thân trong môi trường khác nhau đều được dòng đời xô đi những ngã rẽ khác nhau mà con người không biết và cũng không tài nào hiểu được. Nếu như đời đã không bao dung cho kẻ thất thế thì bạn bè hãy mở lòng và sẻ chia.

Vì vậy, hãy để những buổi họp lớp là thời gian ôn lại kỷ niệm của tuổi hồn nhiên, chỉ xảy ra một lần trong đời và đã trôi đi. Không quan trọng họp lớp diễn ra ở đâu, những thành viên trong lớp thành đạt, giàu có thế nào. Mà tuyệt vời nhất, chính là mọi người có thể kết nối, cùng đồng hành giúp nhau tiến bộ và tri ân thầy, cô giáo cũ.