Vấn nạn rác thải tại một số điểm du xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rác thải và hình ảnh nhếch nhác sau những cuộc du xuân, hành hương đầu năm vốn là nỗi ám ảnh với ban quản lý nhiều điểm đến, đền chùa và các khu du lịch, trở thành vấn nạn nhức nhối hàng năm.
Rác thải gia tăng sau lễ hội xuân là vấn nạn nhức nhối hàng năm. (Ảnh minh họa)
Rác thải gia tăng sau lễ hội xuân là vấn nạn nhức nhối hàng năm. (Ảnh minh họa)

Rác thải gia tăng

Chỉ sau những ngày Tết, nhiều tỉnh, thành ghi nhận sự gia tăng rác thải bởi các hoạt động du lịch, ăn uống, vui chơi, giải trí diễn ra với tần suất cao hơn nhưng lực lượng thu gom rác lại “mỏng”, khiến lượng rác thải ứ đọng, bốc mùi. Theo một thống kê, trung bình mỗi ngày Tết lượng rác mỗi gia đình đưa ra tập kết có thể nhiều tới gấp 3-4 lần ngày thường.

Trong khi đó, ý thức của một số người dân trong việc vứt rác đúng chỗ, phân loại rác còn hạn chế. Bởi vậy, những ngày đầu năm, tại nhiều địa phương, rác thải ùn ứ, tập kết khắp nơi gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan phố phường, thôn xóm.

Hàng năm để đảm bảo vệ sinh môi trường trong và sau Tết, các địa phương, đơn vị môi trường đã tăng cường thêm nhân lực ở các bộ phận khác, để thu gom rác và tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên mọi tuyến đường, khu dân cư và các điểm vui chơi, giải trí nơi công cộng. Nhưng lượng rác nhiều, điểm trung chuyển cũng trở thành bãi rác do không được vận chuyển kịp thời.

Nỗi ám ảnh về rác thải vẫn tiếp tục kéo dài đến trong và sau mỗi dịp lễ hội xuân hàng năm. Những điểm lễ hội như đền Trần, chùa Hương, chùa Yên Tử, đền Hùng, chùa Ba Vàng,… đón hàng ngàn, hàng chục ngàn du khách tới mỗi ngày, lượng rác thải vứt bỏ không đúng nơi quy định cũng thường tăng đột biến. Bên cạnh ô nhiễm rác thải, các phương tiện giao thông cũng thải ra một lượng khí thải rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môi trường xung quanh. Việc đốt hương, vàng mã tràn lan dễ gây cháy nổ và ô nhiễm không khí cũng rất đáng báo động.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường khuôn viên đền, chùa, ban quản lý các điểm đến thường đặt các pano nhắc nhở, biển cấm vứt rác bừa bãi và bố trí nhiều thùng rác để người dân giữ gìn vệ sinh chung. Ở một số điểm đến, còn có thành viên ban quản lý cũng thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời nhắc nhở khi du khách vứt rác không đúng nơi quy định.

Vậy nhưng, thực tế dòng người đến tham quan, vãn cảnh khi ra về vẫn để lại một lượng rác thải lớn từ túi nilon, chai lọ, thực phẩm thừa, bao bì, giấy gói đồ ăn,… khiến cảnh quan, nguồn nước ô nhiễm và mất đi nét đẹp vốn có. Ghi nhận từ các năm trước, một bộ phận du khách ý thức kém không chỉ xả rác bừa bãi, mà còn phá hoại nhiều khu vực trang trí tiểu cảnh, cây xanh tại các điểm du lịch.

Cần nâng cao nhận thức và hành động

Vấn đề rác thải sau lễ hội cũng đã nhiều lần khiến các cơ quan chức năng ngành văn hóa phải “gióng hồi chuông” cảnh báo. Tuy nhiên, do chế tài và lực lượng cơ quan chức năng xử lý còn hạn chế nên việc giải quyết còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, căn cứ theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải không đúng quy định có thể nhận mức tiền phạt tới 2 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe, lực lượng chức năng nhiều nơi vẫn chưa sát sao, kiên quyết trong việc xử phạt hành vi này.

Nhiều người muốn tìm đến nơi cảnh đẹp, khí hậu trong lành để vãn cảnh, vui chơi nhưng sau đó lại để lại một cảnh tượng xấu xí. Đáng buồn hơn là hành vi này đến nhiều từ các bạn trẻ, những người đáng ra phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong bảo vệ môi trường. Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ môi trường đang được các đơn vị chức năng liên quan triển khai. Tuy nhiên những nỗ lực đó sẽ như “muối bỏ bể” nếu mỗi du khách không có ý thức, thái độ văn minh khi đến các điểm đến.