Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, nối tiếp nhau sáng tạo nhiều tác phẩm giá trị cao. Hơn 40.000 văn nghệ sĩ “là đội quân nòng cốt” tiếp tục xây dựng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nhưng một số người đã phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; tác phẩm xa rời thực tiễn đời sống đất nước, nhân dân. Một số người phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, dùng mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí cực đoan; có người đề cao quá mức cái tôi. Chúng ta cũng chưa có nhiều tác phẩm tạo sức hút và lan tỏa, làm rung động lòng người; ít có tác phẩm đỉnh cao, văn nghệ sĩ lớn.
Tổng Bí thư chia sẻ, thời đại, cuộc sống quanh ta có nhiều điều để nói, để viết; quan trọng là nói và viết như thế nào? Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân... Văn nghệ sĩ cần nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó, đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình.
Những nhận xét, nhận định trên của Tổng Bí thư là rất chính xác và đúng lúc. Nhiều năm qua, mặt trái của internet và mạng xã hội, cũng như quan niệm dễ dãi của không ít người “thưởng thức”; đã tạo điều kiện cho không ít người dù không có tài năng, thiếu sự trui rèn; nhưng dễ dàng trở thành những “văn nghệ sĩ mạng”, những “người nổi tiếng”. Nhưng không ít người trong đó đã “sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường”; và đồng thời những quan niệm độc hại đó đã có ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều người, thậm chí nguy cơ ảnh hưởng cả một thế hệ. Đó là những ca khúc thất tình sầu não rên rỉ; những bài thơ tối nghĩa chỉ “lòe” người đọc bằng những từ ngữ tưởng như cao siêu; những nhật ký đi lang thang khắp nơi chẳng biết để làm gì…
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới có thể đi xa và bền vững. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”. Trong thời đại mạng xã hội và internet phát triển như vũ bão, công dân nào cũng có thể thành “nhà văn mạng”, “nhà báo mạng”, thì những phát biểu trên của Tổng Bí thư càng đáng để mọi người phải tự soi mình vào, suy ngẫm.