Tham dự hội thảo có PGS.TS Đoàn Đức Lương (Hiệu trưởng trường ĐH Luật Huế), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng Khoa luật hình sự và nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD báo PLVN Khu vực Bình Trị Thiên cùng các giảng viên cao cấp của Khoa Luật hình sự.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trường ĐH Luật Huế được học hỏi, giao lưu, trải nghiệm cũng như làm quen với các hoạt động thực tiễn của nghề báo. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các em được trực tiếp tiếp cận với chuyên gia pháp lý, nhà báo có kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng Khoa luật hình sự nhấn mạnh, Báo PLVN là tờ báo uy tín, là ngọn cờ đầu trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đặc biệt, VP báo tại Thừa Thiên Huế luôn định hướng dư luận những thông tin kịp thời, chính xác. Vì vậy, khoa chọn báo PLVN để đồng tổ chức hội thảo lần này.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng Khoa luật hình sự, trường ĐH Luật, ĐH Huế phát biểu tại hội thảo |
Theo PGS Kiện, với vai trò là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật hàng đầu của đất nước, Trường ĐH Luật Huế đã tổ chức rất nhiều các hội thảo, tọa đàm... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trường phối hợp tổ chức hội thảo “Tác nghiệp nghề báo với các vụ việc mang tính pháp lý”. Hội thảo sẽ là nơi tạo điều kiện cho các em sinh viên có cơ hội trải nghiệm và nâng cao kiến thức với các nội dung thực tế, trao đổi và chia sẻ cùng các chuyên gia. Hi vọng rằng, thông qua hội thảo này, các em sinh viên sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích và có thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong việc tác nghiệp nghề báo với những vụ việc có tính chất pháp lý xảy ra trong cuộc sống.
Ban tổ chức đã chọn 23 bài viết xuất sắc đăng vào kỷ yếu; trong số đó đã chọn 8 tham luận để trình bày tại hội thảo. Nhiều bài viết được đánh giá cao, như: “Vai trò của báo chí trong việc định hướng sự tuân thủ pháp lý trong các giao dịch dân sự” của sinh viên Bùi Ngọc Trâm Anh (Lớp K46E Luật học) trình bày.
Sinh viên Bùi Thị Thu Trang trình bày tham luận với chủ đề “Tác nghiệp nghề báo tại các phiên tòa”. |
Hay tham luận với chủ đề “Tác nghiệp nghề báo tại các phiên tòa”, của nhóm tác giả: Bùi Thị Thu Trang, Đỗ Trần Công Thành và Trần Thị Thái Nguyên, tác giả cho rằng, xã hội hiện đại ngày càng phát triển, ở bất kì một quốc gia nào nhà báo vẫn được coi là một nghề không thể thiếu. Tiệm cận với pháp luật, việc tác nghiệp nghề báo tại các phiên tòa luôn là một chủ đề nóng cần được khai thác triệt để. Quan hệ giữa báo chí và Tòa án là quan hệ hai chiều tương tác với nhau. Báo chí cần Tòa án tạo điều kiện thuận lợi trong tác nghiệp; cung cấp thông tin về hoạt động của Tòa án, về những vụ án, phiên tòa dư luận quan tâm; tiếp thu, xử lý những vấn đề bất cập, thậm chí tiêu cực mà báo chí phản ánh.
Tòa án cũng cần ở báo chí sự hợp tác, phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của Tòa án, để qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc tác nghiệp tại phiên tòa của nhà báo đã và đang tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập.
Hội thảo thu hút hàng trăm bạn sinh viên trường ĐH Luật, ĐH Huế tham dự. |
Tại hội thảo, VP báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên cũng đã trả lời nhiều câu hỏi “hóc búa” từ các em sinh viên như: Để một bài viết được đăng báo cần đảm bảo những tiêu chí gì? Để trở thành phóng viên/ nhà báo thì cần có những đức tính gì và rèn luyện những kỹ năng gì? Cách đặt “tít” bài báo hoặc tin bài như thế nào để gây chú ý cho độc giả? Nhiều tờ báo đưa tin về một vụ án nào đó chưa rõ người có liên quan có phải là thủ phạm hay không, nhưng vì để thu hút người đọc mà giật tít bài giật gân như “thủ phạm” “hung thủ” hoặc “kẻ thủ ác”… khi cơ quan chức năng còn chưa đưa ra căn cứ kết tội. Vậy kiểu giật tít như vậy có vi phạm quy định và bị xử lý chế tài gì không?
Em Lê Thị Thảo Nguyên (lớp Luật K44H) hỏi rằng: “Trong quá trình đưa thông tin liên quan đến pháp luật giao dịch dân sự đến người dân thì người làm báo cần lưu ý đến điều gì?”
Nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD Khu vực Bình Trị Thiên giải đáp câu hỏi của các sinh viên tại hội thảo. |
Giải đáp về câu hỏi trên, Nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD Khu vực Bình Trị Thiên cho biết, nhà báo sau khi tiếp cận được những phản ánh của người dân về các vụ việc như tranh chấp đất đai, tranh chấp về hợp đồng, tranh chấp về tài sản thừa kế...thì trước hết nhà báo phải đọc kỹ nội dung vụ việc để biết người dân cần nhà báo làm việc gì. Tìm hiểu xem các bên đang tranh chấp cái gì, tranh chấp như thế nào để phân tích, giải thích cho người dân biết. Còn để tìm hiểu kỹ hơn vụ việc thì nhà báo phải về tận cơ sở để xác minh, thẩm định thông tin.
Em Lê Thị Thảo Nguyên (lớp Luật K44H, ĐH Luật) đặt câu hỏi tại hội thảo. |
Phóng viên Lê Văn Hoàng Tám Bảy trả lời chia sẻ với các bạn sinh viên về quá trình tác nghiệp báo chí tại phiên tòa. |
Những câu trả lời của VP báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên đã nhận được sự đồng tình của quý thầy cô giáo cũng như các bạn sinh viên tham dự hội thảo.
Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Khoa Luật Hình sự - Trường ĐH Luật, ĐH Huế và VPĐD Khu vực Bình Trị Thiên |
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã có những hướng dẫn, góp ý cho sinh viên về vấn đề tác nghiệp nghề báo với các vụ việc có tính chất pháp lý như cách viết tin, bài khi tác nghiệp. Trách nhiệm của người làm báo đó là thông tin cho ai, về cái gì và tại sao? Về cách viết bài, hội thảo cũng đã đưa ra một số yêu cầu cơ bản để sinh viên có thể nắm rõ khi viết một bài báo như tính thời sự, tính xác thực (tuyệt đối không được bịa đặt hoặc thêm bớt một cách tuỳ tiện trong quá trình thông tin) và tính định hướng (trực tiếp đòi hỏi tác giả phải thể hiện một thái độ và lập trường rõ ràng trong bài viết).
Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 3 nhóm tác giả có bài tham luận xuất sắc nhất hội thảo.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Khoa Luật Hình sự - Trường ĐH Luật, ĐH Huế và VPĐD Khu vực Bình Trị Thiên. Đây là lần thứ hai, cả hai đơn vị phối hợp tổ chức thành công hội thảo.