Văn Quan (Lạng Sơn): Hang Phja Thạng được xếp hạng di tích Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hang Phja Thạng (xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) thuộc loại hình di tích Khảo cổ, có niên đại Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng 4.000 - 3.000 năm.
Hang Phja Thạng nằm ở lưng chừng núi Phja Thạng thuộc xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Hang Phja Thạng nằm ở lưng chừng núi Phja Thạng thuộc xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích khảo cổ Hang Phja Thạng (Quyết định số 700/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/3/2023).

Trao đổi với PLVN hôm nay 23/3, ông Nguyễn Phúc Hà – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết, Hang được Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý xây dựng hồ sơ xếp hạng Di tích khảo cổ cấp Quốc gia theo Công văn số 1086/DSVH-DT ngày 28/10/2022.

Đến tháng 12/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích khảo cổ hang Phja Thạng, xã Tân Đoàn. Ngày 20/3, Hang chính thức được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Hang Phja Thạng là một hang đá tự nhiên, nằm ở lưng chừng núi Phja Thạng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan. Hang này thuộc loại hình di tích Khảo cổ, có niên đại Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng 4.000 - 3.000 năm. Di tích có hai khu vực để bảo vệ, diện tích trên 60.000m2.

Văn Quan (Lạng Sơn): Hang Phja Thạng được xếp hạng di tích Quốc gia ảnh 1

Phía trong hang Phja Thạng

Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, di chỉ lần đầu tiên tại hang được phát hiện và khảo sát bởi bà M.Colani (nhà Khảo cổ học người Pháp) vào năm 1922. Bà đã thu được 21 rìu, đục mài nhẵn toàn thân, 6 chiếc rìu tứ giác, mặt lớn hình chữ nhật hoặc hình thang, các cạnh được mài vuông góc, 2 chiếc có lưỡi mài vát nghiêng, 4 chiếc rìu có vai, đục chữ nhật nhỏ, mài kỹ thân trên, lưỡi mài vát 2 mặt. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, bà cho rằng hang Phja Thạng hoàn toàn thuộc về Hậu kỳ đá mới.

Đến tháng 6/1996, nhóm các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục tới đây khảo sát. Trong lần này, nhóm đã đào 1m2 gần cửa hang và thu được: 245 mảnh gốm, 37 mảnh xương cùng một số vỏ ốc biển, ốc suối, viên cuội nhỏ và 24 mảnh tước, 1 bàn mài. Đến năm 1998, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Văn Quan tiếp tục khảo sát di tích và thu được 111 mảnh gốm, đá và xương, răng động vật và vỏ nhuyễn thể…

Kết quả khai quật tại hang Phja Thạng không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt khoa học mà còn là nguồn tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. Các hiện vật có giá trị tiêu biểu đã được đưa vào bảo quản và phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Viện Khảo cổ.

Việc hang Phja Thạng được xếp hạng di tích quốc gia đã khẳng định giá trị lịch sử quý giá của di tích này không chỉ đối với Lạng Sơn mà với cả nền khảo cổ, văn hoá Việt Nam. Đây cũng là động lực để cấp uỷ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Quan tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, phát triển du lịch.

Đọc thêm