Vận tải biển 'ăn nên làm ra'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng, cước phí vận tải biển tăng… là những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển từ đầu năm đến nay “ăn nên làm ra”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng

Ngay từ đầu năm 2022, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã dự báo ngành vận tải biển, cảng biển sẽ tiếp tục đạt doanh thu, lợi nhuận cao trong năm nay khi cước vận tải biển vẫn ở mức cao và tình hình phục hồi kinh tế khả quan sau đại dịch. Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển từ đầu năm đến nay cho thấy dự đoán trên là hoàn toàn chính xác.

Báo cáo số liệu thống kê tháng 4/2022 của Cục Hàng Hải Việt Nam vừa mới công bố cho thấy, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 3 tháng đầu năm 2022 đạt 177 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng hàng xuất khẩu đạt 45,9 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; Hàng nội địa đạt 81.4 triệu tấn, tăng 10%; Hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 245 nghìn tấn.

Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng như khu vực Quảng Ninh tăng 11%, khu vực Quảng Nam tăng 19%, khu vực Đồng Nai tăng 8%, khu vực Thanh Hóa tăng 6% . Khối lượng hàng hóa container thông qua cảng trong 3 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó lượng hàng nhập khẩu tăng 8%, lượng hàng xuất khẩu tăng 2%,

Riêng với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VMIC), khối lượng và lượt hàng hóa thông qua các cảng do VMIC quản lý trong 3 tháng đầu năm đạt 17,1 triệu tấn (chưa thống kê sản lượng của Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh), chiếm 9,6% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước. Trong đó, Cảng Hải Phòng có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất đạt 5,58 triệu tấn, chiếm 28% tổng khối lượng hàng hóa do VMIC quản lý. Đứng thứ 2 là Cảng Sài Gòn đạt 2,73 triệu tấn, đứng thứ 3 là Cảng bến SSIT đạt 2,47 triệu tấn.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, sản lượng hàng qua cảng sẽ cải thiện hơn trong năm nay nhờ hoạt động sản xuất phục hồi trở lại sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tốc độ tăng trưởng ước đạt mức trung bình trong nửa đầu năm và tăng tốc trong nửa cuối năm. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước tính khoảng 10-20%, cao hơn mức tăng trưởng hàng năm trong điều kiện thông thường. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty cảng có thể khác nhau với tiềm năng tăng trưởng cao hơn cho các cảng biển nước sâu còn dư công suất.

VMIC có vốn nhà nước lãi gần 700 tỷ

Một số doanh nghiệp khai thác cảng biển đều có kết quả kinh doanh tốt trong quý I/2022. Cụ thể, doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Gemadept tăng 28%, lên 879,9 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động khai thác cảng chiếm 83,6%, tương đương 735,8 tỷ đồng; còn lại đến từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng. Lãi sau thuế của công ty đạt 319,2 tỷ đồng, tăng gần 86% so với cùng kỳ.

Doanh thu của Công ty CP Container Việt Nam cũng tăng 14% trong quý này lên 496,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 109,5 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn Công ty CP Cảng Hải Phòng quý I vừa qua đạt 548,5 tỷ đồng, tăng 5,7%, lợi nhuận 168 tỷ đồng.

Tương tự, với các doanh nghiệp vận tải biển, doanh thu và lợi nhuận trong quý I cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng. Cụ thể, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.022 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận gộp tăng 13% đạt 291 tỷ đồng.

Ban Tổng Giám đốc PV Trans lý giải kết quả kinh doanh quý I khả quan một phần nhờ được bổ sung từ các tàu đầu tư trong năm 2021. Công ty đã đầu tư thành công 6 tàu góp phần trẻ hóa và nâng cao năng lực đội tàu. Trong 3 tháng đầu năm, các công ty thành viên tiếp tục đón nhận thêm 3 tàu mới.

Lãnh đạo PVTrans nhận định, thị trường vận tải biển quốc tế diễn biến thuận lợi trong ngắn hạn với giá cước tăng ở hầu hết các phân khúc tàu kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra do căng thẳng leo thang kéo theo các biện pháp cấm vận đội tàu biển của Nga khiến nhu cầu vận tải biển ở các khu vực khác tăng lên. Bên cạnh đó, sự thay đổi nguồn cung làm cho nhu cầu tàu, lượng hàng luân chuyển bằng đường biển thay đổi, tạo ra các tuyến giao thương đường biển thay thế, gia tăng cơ hội tham gia vận chuyển của các đội tàu quốc gia khác.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận doanh thu thuần quý I là 3.264 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hoạt động vận tải tăng nhiều nhất, với 78,4% lên 1.229 tỷ đồng. Với kết quả này, VIMC mang về 689 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành 21,6% kế hoạch năm.

Đọc thêm