Sản lượng vận tải tăng mạnh
Hệ lụy của dịch COVID-19 đã khiến ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Phải gần hai năm sau, hoạt động vận tải tại Việt Nam mới cơ bản hoạt động bình thường trở lại như giai đoạn trước đại dịch, dù những khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực hàng không vẫn khá yếu.
Trong bối cảnh ấy, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích ngành vận tải hoạt động và phát triển. Theo ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, trong năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ GTVT tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trọng tâm là rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vận tải, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tiếp tục thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu thị phần vận tải, tăng thị phần vận tải của các lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, từ đó giảm áp lực cho vận tải đường bộ. “Sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022” - đại diện Bộ GTVT cho hay.
Cụ thể, vận tải hàng hóa trên cả nước trong năm 2023 đạt hơn 2.100 triệu tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022, vận chuyển hành khách ước đạt trên 4.200 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đường bộ là lĩnh vực vận tải cốt lõi trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Theo Bộ GTVT, hiện nay hoạt động vận tải đường bộ cơ bản ổn định, đi vào nề nếp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn của người dân, doanh nghiệp. Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, nhất là phương tiện từ 10 chỗ trở lên; kiểm tra, xử lý nghiêm xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định; kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, hoạt động vận tải đường bộ năm qua rất sôi động, các doanh nghiệp sau kỳ “ngủ đông” do đại dịch nay đã hoạt động bình thường trở lại. Tại các bến xe, hoạt động xe khách tuyến cố định đông đúc người đi lại; tại các cửa khẩu, bến cảng, xe cộ hàng hóa nối đuôi nhau, thậm chí có thời điểm tại một số cửa khẩu, do lượng xe cộ đông, hàng hóa nhiều đã gây ra tình trạng ách tắc.
Bộ GTVT cũng cho biết, hoạt động vận tải hàng không thời gian qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Bám sát nhu cầu thị trường, Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không, các đơn vị trong ngành bổ sung tải cung ứng trong các giai đoạn cao điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; tích cực trao đổi với các nhà chức trách hàng không để khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán 2024 này, do nhu cầu đi lại của người nhiều, ngành Hàng không đã phải chấp thuận để các hãng bay trong đêm khoảng 1.800 chuyến bay.
Theo Bộ GTVT, đến nay, vận chuyển quốc tế đang dần hồi phục với hơn 61 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác 147 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ GTVT đưa hệ thống sinh trắc học và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong việc làm thủ tục hàng không tại tất cả các cảng hàng không; nâng cao hiệu quả công tác điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại các cảng hàng không thông qua việc kết hợp hài hòa năng lực đáp ứng của hệ thống với nhu cầu thị trường.
Năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách hàng không đạt gần 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022.
Đường sắt, vận tải biển sôi động
|
Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là hơn 756 triệu tấn. (Ảnh: Bộ GTVT). |
Với vận tải đường sắt, theo Bộ GTVT, chất lượng loại dịch vụ này đang ngày càng được nâng lên. Trong năm 2023, đường sắt đã vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135,4% so với cùng kỳ năm 2022. Vận chuyển hàng hóa đạt 4,6 triệu tấn. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Để thu hút thêm hành khách và hàng hóa, ngành Đường sắt có chính sách thu hút. Cụ thể, cho các đối tác thuê nguyên toa tổ chức du lịch; các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu chất lượng cao cấp tuyến Hà Nội - Đà Nẵng… được thực hiện. Về hàng hóa, ngoài các chuyến hàng thông thường, ngành Đường sắt tổ chức vận tải chuyên tuyến theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống như apatit, phân bón, than, gạo, muối… Ngoài ra, triển khai hệ thống phần mềm quản trị hàng hóa, nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả toa xe và công tác kinh doanh vận tải hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, Bộ GTVT đã thiết lập 1 ga liên vận quốc tế mới tại Ga Kép tỉnh Bắc Giang, mở ra một cửa khẩu quốc tế trong nội địa; mở nhiều đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần, Yên Viên đi Trung Quốc.
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên Đán này, số lượng người đi tàu Bắc - Nam rất đông đúc. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp này, ngành Đường sắt có kế hoạch chạy thêm 8 chuyến tàu nối ga Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại. Hàng nghìn vé tàu được ngành Đường sắt tung ra thêm cho dịp cuối năm.
Hoạt động vận tải hàng hải, đường thủy nội địa cũng được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Đặc biệt, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng qua các năm và đảm nhận khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là hơn 756 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng xuất khẩu hơn 179 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ, hàng nhập khẩu gần 222 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ, hàng nội địa hơn 353 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ, hàng quá cảnh bốc dỡ khoảng 2,5 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ.
Nhận xét về hoạt động vận tải thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, hoạt động vận tải giữ đà tăng trưởng ổn định, giúp người dân và doanh nghiệp đi lại và lưu thông hàng hóa thuận tiện. “Trong năm 2023, sản lượng hàng hóa, hành khách đều tăng trên 10% so với năm 2022. Dự báo trong năm 2024, vận tải hành khách và hàng hóa tiếp tục tăng trưởng hai con số”, ông Thắng nhận định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, lĩnh vực vận tải, điển hình là vận tải đường bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách vẫn còn bất cập. Tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Chi phí logistic vẫn còn ở mức cao. “Những vấn đề này cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, người đứng đầu ngành GTVT thẳng thắn nhìn nhận.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, lĩnh vực hàng không, đường sắt còn những nhược điểm, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân, doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn.