Từ con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi đến huyện Phước Sơn, Quảng Nam nơi được mệnh danh là “miền đất hứa của dân đào vàng” với các xã Phước Thành, Phước Hiệp, Phước Đức, Phước Xuân. Ở đây, ngoài những cuộc chiến phân chia lãnh địa, tội phạm, cuộc đời khốn khó của công nhân đào vàng thì chuyện đào vàng khiến những cánh rừng của dãy Đông Trường Sơn bị tàn phá nghiêm trọng...
Vàng ở đâu?
Vừa nghe tôi đề xuất, gã chạy xe ôm ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn có hàng ria như diễn viên Lý Hùng tỉnh bơ: “Ông anh cho xin triệu hai cả đi và về”. Thấy tôi ngơ ngác, gã dài môi “anh tưởng đến được các bãi vàng Sắc Dương, Khe Tăng ở Phước Thành mà dễ à. Phải chạy mấy chục cây số đường rừng mới tới đấy, cha nội”.
|
"Công trường" đào vàng khiến núi rừng lở lói |
Sau một hồi làm giá không thành, tôi tặc lưỡi trèo lên chiếc minsk nổi danh một thời và phải gần 4 tiếng gầm rú trên các triền núi, khe suối tôi được xã Phước Thành đón tiếp trong tình trạng tái mặt vì bị xóc. Đây chỉ là chặng nghỉ chân ăn uống để bắt đầu chuyến hành trình khổ ải thứ hai đến bãi vàng Khe Tăng. Mưa rừng bắt đầu đổ xuống cũng là lúc chiếc xe minsk phụt khói tiến vào rừng thẳm.
Bãi Khe Tăng là nơi mà tên cướp của giết người khét tiếng Nguyễn Việt Hưng biệt danh là Hưng “mi nhon” từng ẩn náu sau khi giết Dung Hà trong vụ án Năm Cam hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà tạm dựng trên vách núi, hiện do Công ty TNHH Phước Minh khai thác. Hàng chục công nhân chào đón tôi với thái độ dè dặt, cảnh giác...Công nhân Nguyễn Văn Trung, quê ở Kim Bôi, Hòa Bình hùng hục kéo dây ở miệng hầm tranh thủ nói chuyện: “Em được mấy người cũng quê rủ vào đây làm thuê. Cứ tưởng ngon ăn, nào ngờ vào mới thấy sai lầm. Bây giờ cố làm cho đến mùa mưa, lúc đó đủ tiền em sẽ về thẳng”. Trung kể tiếp, “Ở đây ăn uống khổ lắm, toàn cá khô với muối thôi. Thỉnh thoảng đặt bẫy lên rừng kiếm được tý thịt tươi nào về thì anh em cải thiện”.
Theo Trung, ở đây nhiều lần hầm sập làm bị thương một số anh em, nhưng không ai dám bỏ về vì không có tiền. Đã có mấy người bệnh nặng phải cuốc bộ mấy chục cây số đi ra thị trấn Khâm Đức chữa trị rồi ra đường Hồ Chí Minh bắt xe về quê, không quay trở lại nữa.
Ở bãi vàng có cả phụ nữ già trẻ, họ là người phục vụ cơm nước, điếu đóm cho dân đào vàng. Tôi bất ngờ thấy mấy cô gái trẻ, đẹp nằm nghe nhạc trên điện thoại. Sao chút bỡ ngỡ, hai cô cho biết quê ở phía Bắc vừa vào được hơn 1 tháng để…chơi. Nhưng thân phận phụ nữ nơi bãi vàng giữa rừng thiêng nước độc này là cả một câu chuyện dài và với những người trẻ tuổi thì tuổi xuân của họ đã chôn chặt nơi đây...
Dạo quanh một vòng, thấy chúng tôi, một số đối tượng xăm trổ đầy mình, dáng vẻ bặm trợn, trông điệu bộ như trốn tù vội mặc quần áo lủi vào rừng. Tiếp tục đến các hầm vàng đang khai thác, quang cảnh thật náo nhiệt. Vì là khai thác hầm vàng theo kiểu “thả lò”, nên một đội thanh niên thay nhau chui xuống các hang chuột sâu hàng trăm mét, khoét vách đánh vỉa theo mạch. Cứ độ vài mét, lại dựng lên những cột chống đề phòng hầm sập. Dây điện, dây dẫn khí, quạt thông gió loằng ngoằng ở miệng hầm. Cứ độ vài tiếng, lại một quả mìn phát nổ.
Bạc mặt vì vàng
Nói đến công nhân đào vàng, người ta nghĩ ngay tới dân giang hồ, chợ búa, trốn chạy luật pháp…để kiếm sống qua ngày. Nhưng thực sự đó chỉ là con số nhỏ, dân đào vàng bây giờ chủ yêu là nghèo túng bỏ quê ra đi mong đổi đời, nhưng vàng chưa thấy chỉ thấy bạc mặt vì đói khổ, bệnh tật, khi có được ít tiền lại ăn chơi sạch túi.
|
Vàng đâu không thấy, chỉ thấy "vàng mắt" |
Đỗ Văn Hậu (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) công nhân ở bãi vàng Sắc Dương – Khe Tăng của Công ty Phước Minh cho biết, vì nghèo túng, lại chưa có vợ con, Hậu vô Quảng Nam mong kiếm chút vốn về quê lấy vợ. Được công ty giao việc đôn đốc anh em và sửa chữa máy móc với lương khoảng 3triệu/tháng. “Làm được vài tháng thì từ tháng 1/2009 tới 10/9/2009, công ty không trả lương cho anh em. Anh em kêu gào đói rét, bệnh tật nhưng chủ không hề đoái hoài, đành phải chặt chuối rừng để ăn. Họ không cho chúng em thức ăn, thuốc uống khi bị sốt rét vì muốn anh em bỏ về để họ không phải trả lương”, Hậu kể. Sau khi khiếu kiện cả tháng trời công ty mới trả đủ lương cho anh em, nhưng cũng chả được là bao sơ với sức lực bỏ ra. Hậu đã từng bị đánh vì hay lên tiếng đòi hỏi quyền lợi.
Hậu cho biết thêm, trong cơn bão số 9 năm ngoái đã có 2 công nhân bị lũ cuốn trôi khi đang làm đường, gia đình khiếu kiện thì chủ nói chưa có hợp đồng. Theo Hậu chỉ, chúng tôi phát hiện một ngôi mộ sơ sài ở bãi Khe Tăng. Đã có người bỏ mình lại giữa rừng xanh do thiên tại hay bệnh tật, vì cơn khao khát tìm vàng trong chính sự phiêu lưu cuộc đời. Vàng vẫn nằm sâu trong lòng đất và sự khát khao của con người đã đánh đổi bằng mạng sống. Sự chọn lựa của họ thật nghiệt ngã. (Còn tiếp)