Vào rừng Phia Oắc 'săn' biệt thự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những biệt thự cổ “ngủ quên” trong rừng Phia Oắc được xây dựng đầu thế kỉ XIX là dấu tích của một giai đoạn lịch sử, cùng với nhiều yếu tố như phong cảnh, khí hậu, thời tiết… là tiềm năng phát triển điểm du lịch, nghỉ dưỡng lí tưởng.
Căn biệt thự đỏ nổi bật giữa rừng xanh.
Căn biệt thự đỏ nổi bật giữa rừng xanh.

Khám phá biệt thự giữa rừng già

Từ thị trấn Nguyên Bình (Cao Bằng), chúng tôi di chuyển qua những cung đường ngoằn ngoèo ẩn hiện quanh những sườn núi, một bên là vực sâu còn bên kia là những ngọn núi cao ngút tầm mây. Càng lên cao, cảm giác lành lạnh như đầu đông chợt ập đến, những “ánh lửa” trưa hè dần khuất lại phía sau. Người viết chợt nhớ đến lời dặn của một cán bộ huyện Nguyên Bình: “Lên Phia Oắc rất lạnh, vì thế đồng chí phải đem theo áo ấm để mặc, nếu không sẽ dễ ốm”.

Đến lưng chừng núi, một người dân dẫn chúng tôi rẽ sang con đường nhỏ dẫn vào vùng lõi rừng đặc dụng Phia Oắc – nơi có những ngôi nhà cổ. Con đường vào rừng gồ ghề toàn đá hộc và “ổ gà”, những trận mưa tầm tã kèm theo lũ ống còn in vết bằng những rãnh nước đục sâu vào lòng đất.

Càng vào sâu trong rừng Phia Oắc, không khí càng trở nên lạnh lẽo, những gốc cây cổ thụ rêu phủ xanh rì từ gốc lên ngọn dần hiện ra. Chúng tôi lọt thỏm vào một thung lũng nhỏ, bằng phẳng ở giữa rừng. Nơi đây có gần chục ngôi nhà cổ xây bằng đá ẩn hiện sau những tán cây rừng, một số nhà đã bị đổ sập phần mái, một số thì bị hư hỏng hoàn toàn, trơ lại phần móng. Ở thung lũng này có duy nhất một ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn, được Ban Quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc tận dụng làm chốt kiểm soát trong rừng nhằm ngăn chặn người dân vào rừng khai thác quặng và gỗ.

Tiếp tục đi sâu vào rừng, những ngôi biệt thự cổ tiếp tục xuất hiện. Trải qua trăm năm bị lãng quên, những ngôi biệt thự này được bao phủ bởi lớp rêu xanh rì và ẩn dật dưới những đám dây leo chằng chịt và những hàng cây cổ thụ. Anh Nông Văn Thụ, người dân đi cùng đoàn chúng tôi dùng tay bới đám rêu phong bám trên bức tường của một ngôi biệt thự cổ, đám rêu rơi ra từng mảng lớn để lộ ra bức tường xây bằng đá dày chừng 40cm rất vững chắc.

Những căn biệt thự cổ “ẩn mình” giữa rừng xanh.

Những căn biệt thự cổ “ẩn mình” giữa rừng xanh.

Kỳ vọng đánh thức “nàng tiên” ngủ quên

Theo những tài liệu hiện còn ghi chép được thì những ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Vào thời gian này, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác quặng ở Tĩnh Túc và đẩy hàng ngàn công nhân từ khắp nơi về đây để đào quặng, bóc lột sức lao động và vơ vét tài nguyên. Để đảm bảo giám sát số lượng nhân công lớn, Pháp đã điều động quân lính tới đây đồn trú, đồng thời xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp để phục vụ sĩ quan, binh lính ngay tại chỗ với qui mô lớn. Nơi này được xây dựng là khu nghỉ dưỡng của sĩ quan Pháp.

Trên khu vực lưng chừng núi Phia Oắc có hai loại hình nhà chính là biệt thự độc lập dành cho quan chức cấp cao của Pháp và biệt thự liền kề - khu vực dành cho binh lính và quan chức cấp thấp.

Cách rừng đặc dụng Phia Oắc khoảng 5km có ngôi biệt thự đặc biệt sang trọng gọi là nhà đỏ. Chủ nhân của ngôi nhà này tên là Phăngten. Đây là ngôi biệt thự lớn nhất và cổ kính nhất ở khu vực Phia Oắc. Ngôi nhà còn tương đối nguyên vẹn về kiến trúc, bức tường dày đến 50cm xây bằng gạch, phần mái được lợp bằng ngói Đáp Cầu (?). Trải qua gần trăm năm ngôi nhà này mới chỉ bị hư hỏng phần mái và cửa. Phần khung nhà vẫn đứng vững chãi rêu phong phơi mưa, nắng. Tuy nhiên, phía trong ngôi nhà, một số người dân thiếu ý thức đã dùng ngôi nhà làm chuồng trâu, bò. Xung quanh ngôi nhà được người dân trồng cây dong làm nguyên liệu làm miến. Cách Nhà Đỏ không xa là nơi ngắm cảnh dành cho quan chức Pháp, người dân quen gọi là “đài vọng cảnh”.

Những ngôi biệt thự cổ ở Phia Oắc được ví von như một “nàng tiên” đang ngủ quên trong rừng. Bà Nhan Thị Kim Thi, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Cao Bằng nhận xét: Đây là địa điểm du lịch hấp dẫn nằm trên tuyến du lịch Hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, đến Phia Oắc, Pác Bó, Thác Bản Giốc... của tỉnh Cao Bằng. Phia Oắc mùa hè không khí mát mẻ, trong lành có rừng đặc dụng quanh năm rêu phủ trông rất đẹp. Vào mùa đông, Phia Oắc còn có tuyết rơi, có những năm tuyết ở Phia Oắc còn xuất hiện sớm hơn ở Sa Pa, Lào Cai và Mẫu Sơn, Lạng Sơn, tuyết và băng phủ kín ngọn núi Phia Oắc, đây thực sự là địa điểm tuyệt vời để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dịch vụ ở đây hầu như chưa có gì, hệ thống nhà nghỉ và nhà hàng phục vụ ăn uống chưa có, nếu muốn nghỉ ngơi, ăn uống, khách du lịch phải ngược về thị trấn Nguyên Bình mấy chục cây số mới có chỗ để ăn.

Nói về những ngôi biệt thự cổ ở Phia Oắc, bà Nông Thị Thủy - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Nguyên Bình chia sẻ: “Tôi từng đến đó khảo sát rồi. Không khí ở đó trong lành và khung cảnh đẹp lắm”. Theo bà Thủy, lí do biệt thự được xây dựng ở đây là vì hai yếu tố. Trước tiên phải kể đến khí hậu và môi trường nơi đây cực kỳ trong lành, thích hợp để nghỉ dưỡng. Tiếp đó, chắc hẳn ít người biết ở nơi đây còn có khu nhà ở dành cho các công nhân khai thác khoáng sản (thiếc…) từ thời Pháp thuộc. Hai lí do này đã “thuyết phục” được người Pháp để rồi mọc lên biệt thự, khu nhà dành cho công nhân giữa rừng.

“Đây là những dấu tích còn sót lại của một giai đoạn lịch sử, cùng với nhiều yếu tố như phong cảnh, khí hậu, thời tiết… nếu có chủ trương, chính sách khai thác và vận hành hợp lí, rất có thể là một địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng lí tưởng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước…” - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Nguyên Bình chia sẻ.

Đọc thêm