Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: việc vẽ bản đồ phân phối hàng hóa tại các địa phương không chỉ giúp địa phương quản lý trên địa bàn mà còn hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương nắm đầy đủ thông tin của từng địa phương, từ đó điều tiết hàng hóa phù hợp, kể cả quản lý tốt trong khâu phân phối lưu thông, giá cả cũng như quản lý quy hoạch.
Đối với các công ty đa quốc gia, việc vẽ bản đồ phân phối hàng hóa đã được thực hiện từ lâu, nhưng đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây vẫn còn là điều mới mẻ...
|
NTD mua hàng tại phiên chợ hàng Việt |
Công cụ để xây dựng mạng lưới phân phối
Từ giữa năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp với các địa phương tiến hành lập bản đồ phân phối hàng Việt. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm BSA đã hoàn tất công tác sẽ bản đồ phân phối ở 6 tỉnh thành: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh.
Theo BSA, bản đồ phân phối phản ánh từ tổng quan đến chi tiết thực trạng và qui mô thị trường hàng tiêu dùng tại địa phương. Trong đó bao gồm nghiên cứu hiện trạng hệ thống phân phối, tình hình phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh, danh mục nhà phân phối, tổng đại lý, hệ thống cung ứng...
Mới đây, tại TP Cần Thơ, BSA báo cáo kết quả chương trình “khảo sát thực trạng hệ thống phân phối và vẽ bản đồ phân phối hàng Việt” cho địa phương này. Theo đó, bản đồ phân phối đã ghi nhận gần 18.000 điểm bán trên toàn hệ thống chợ, cung đường và khu dân cư TP Cần Thơ. Còn tại Trà Vinh, bản đồ phân phối hàng Việt tại đây cho thấy, toàn tỉnh có gần 20.000 điểm kinh doanh. Kết quả khảo sát thói quen tiêu dùng, 15% người cho biết luôn luôn ưu tiên chọn hàng Việt, 61% chỉ chọn hàng Việt một cách thỉnh thoảng và 24% không ưu tiên chọn hàng Việt khi mua hàng.
BSA đã có kế hoạch huấn luyện, hướng dẫn các doanh nghiệp cách “giải mã” bản đồ phân phối để giúp doanh nghiệp đưa ra phương án thích hợp hòa nhập mạng lưới phân phối có sẵn, xây dựng mạng lưới phân phối mới, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển…
BSA cũng chuyển giao toàn bộ kết quả nghiên cứu vẽ bản đồ phân phối để giúp các địa phương, các nhà quản lý nắm bắt tổng thể hệ thống phân phối và dòng chảy sản phẩm làm cơ sở điều chỉnh phù hợp nhu cầu và định hướng phát triển.
Nhiều lợi ích từ bàn đồ phân phối
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng thị trường ở địa phương, tăng doanh thu và thị phần, tổ chức mô hình phân phối và bán hàng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp cũng muốn quảng bá thương hiệu của mình và nâng cao năng lực đội ngũ bán hàng.
Ông Nguyễn Duy Thuận – Giám đốc Cty Tư vấn BĐS, rất hoan nghênh việc vẽ bản đồ phân phối hàng Việt của BSA, vì nó là công cụ hiệu quả và chuyên nghiệp xây dựng mạng lưới phân phối giúp doanh nghiệp hoạch định được chi phí, giảm thiểu những chi phí chung, và đặc biệt còn có ý nghĩa trong việc chống hàng giả, hàng lậu và bình ổn thị trường.
Ông Tăng Quan Trọng - Giám đốc bán hàng Cty Nhựa Đại Đồng Tiến, cũng bộc lộ: Các công ty nước ngoài khi mở rộng thị trường tại Việt Nam, họ làm công tác nghiên cứu trong thời gian dài và vẽ nên bản đồ phân phối tại địa phương. Việc lập bản đồ phân phối của BSA sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp như một sơ đồ tác chiến để phân định những tuyến bán hàng, thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, nó giúp doanh nghiệp quản lý được đội ngũ bán hàng và hiệu quả công việc mà họ mang lại.
Về phía quản lý Nhà nước, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng việc vẽ bản đồ phân phối hàng hóa tại các địa phương không chỉ giúp địa phương quản lý trên địa bàn mà còn hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương nắm đầy đủ thông tin của từng địa phương, từ đó điều tiết hàng hóa phù hợp, kể cả quản lý tốt trong khâu phân phối lưu thông, giá cả cũng như quản lý quy hoạch.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA - đơn vị thực hiện lập bản đồ phân phối hàng Việt, trăn trở: Chúng tôi biết doanh nghiệp Việt Nam tiềm lực tài chính còn mỏng, do đó BSA sẵn sàng cung cấp thông tin nền miễn phí cho các doanh nghiệp.
Riêng đối với các doanh nghiệp cần thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ cung cấp dữ liệu chi tiết hóa với mức giá tượng trưng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thị trường. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến bản đồ phân phối. Trong khi một số công ty có vốn nước ngoài, liên doanh rất quan tâm và sẵn sàng mua lại bản đồ phân phối hàng Việt thì chúng tôi chạnh lòng vì vẫn còn không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mòi đến bản đổ phân phối.
Nguyễn Vũ