Về đất mẹ học chữ

Cuộc sống của nhiều hộ dân dọc con sông Hậu phía bên kia biên giới ở nước bạn còn rất tạm bợ. Thế nhưng, họ đã vượt khó khăn tìm về đất mẹ cho con mình học chữ, hy vọng cuộc sống của thế hệ trẻ không còn vất vả...

Cuộc sống của nhiều hộ dân dọc con sông Hậu phía bên kia biên giới ở nước bạn còn rất tạm bợ. Thế nhưng, họ đã vượt khó khăn tìm về đất mẹ cho con mình học chữ, hy vọng cuộc sống của thế hệ trẻ không còn vất vả...

Những chuyến đò nối tình biên cương

Hiếm nơi nào trên đất nước hình chữ S này lại có những câu chuyện đặc biệt như ở vùng biên giới An Giang. Tại các trường tiểu học A Khánh An, B Khánh An, Long Bình… (thuộc huyện An Phú tỉnh An Giang), số lượng học sinh Việt kiều Campuchia thường chiếm 50%. Học sinh chủ yếu từ bên kia biên giới thuộc các xã Pẹc Chạy, Sầm Ba Bun thuộc huyện Kor Thum tỉnh Can Dal của Vương quốc Campuchia.

Đa phần các em có cuộc sống rất tạm bợ. Vào mùa khô gia đình các em đi làm thuê làm mướn sâu trong nội địa Campuchia; vào mùa lũ, họ lại lênh đênh trên dòng nước mênh mông tìm kế sinh nhai.

Ngày ngày trên những chuyến đò miễn phí này, hàng trăm học sinh Việt kiều Campuchia đã về đất mẹ học chữ xây tương lai
Ngày ngày trên những chuyến đò miễn phí này, hàng trăm học sinh Việt kiều Campuchia về đất mẹ học chữ xây tương lai.

Trước đây, trẻ em Việt kiều dọc biên giới đa số mù chữ, một phần vì cuộc sống khó khăn, nhưng phần lớn do trường học ở Campuchia quá xa, học tiếng nước sở tại nên rất khó với các em.

Cách đây 5 năm, chỉ một số ít các em sang Việt Nam học. Nhưng khi thấy con em ham học và được quê hương tạo điều kiện thuận lợi nên số học sinh tăng nhanh chóng theo cấp số nhân. 

Theo thống kê của xã Khánh An, hiện có gần 900 học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học  cả 3 cấp là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tại một số trường THPT trên địa bàn An Phú như trường Quốc Thái có tới 1/2 học sinh là người Campuchia.

Em Trịnh Hữu Tài, Việt kiều Campuchia, đang học lớp 5A, trường tiểu học A Khánh An huyện An Phú kể: “Nhà con ở bên đó nghèo lắm. Ba, má con ngày nào cũng lênh đênh trên sông tìm nhổ bông súng và chài lưới bắt cá. Có hôm may thì kiếm được dăm bảy chục ngàn, không thì vài ba chục, thậm chí có hôm chẳng được đồng nào. Cách đây mấy năm, khi đang thả lưới trên sông, ba má con nghe đài phát thanh xã Khánh An tuyên truyền mang trẻ đến trường đúng độ tuổi, vậy là ba má đã chạy sang đây xin cho con học”.

Thời gian trước, việc đi lại học hành của các em thường do ba mẹ tự túc đưa đón. Sáng mới 5h họ dậy nấu cơm vừa đùm cho mình vừa đùm cho con một phần rồi tất cả lên đò qua biên giới. Con vào trường học chữ, ba mẹ lênh đênh trên sông chài lưới, mò cua bắt ốc. Chiều đến, các bậc phụ huynh lại tới đón con trở lại chuyến đò về bên kia biên giới.

Cực khổ nhất là vào mùa nước lũ, phía bên kia biên giới chỉ mênh mông là nước, những con đò nhỏ chòng chành không thể nào “đưa chân” các em được nên rất nhiều em không thể tới trường, vậy là tình trạng bỏ học vào mùa lũ của học sinh nơi đây diễn ra liên tục và tăng đột biến. Có những lúc cao điểm của mùa lũ, khi nhìn vào sự thưa vắng của học sinh trên lớp mà các thầy, cô không khỏi chạnh lòng.

Con chữ vui ấm tình quê

Thấu hiểu nỗi lòng của thầy cô nơi đây, hơn nữa đó là tình thương mến, sự ưu ái để vun đắp tình hữu nghị đôi bờ biên giới nên các cấp, ngành địa phương đặc biệt quan tâm. Giờ đây đa phần các em đi học không còn phải lo sợ mỗi khi mùa lũ về như trước, mà được đi miễn phí trên những con đò lớn có giấy phép hoạt động và đảm bảo điều kiện an toàn để ngày ngày cùng các em và gia đình vun đắp một tương lai tươi sáng.

Ông Đoàn Phi Long, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Khánh An - cho biết: Bà con ở bên kia còn nghèo lắm, cuộc sống chủ yếu làm thuê làm mướn, nhưng ai cũng muốn con mình có cái chữ, có kiến thức. Tuy nhiên, số học sinh bỏ học vẫn còn nhiều, toàn xã có khoảng 8% học sinh bỏ học mỗi năm, trong đó với học sinh Việt kiều có tỷ lệ khoảng 15% thậm chí 20%. Các cháu bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn nên vào mùa vụ, các em lại phải ở nhà đi làm thuê làm mướn cùng cha mẹ. Hơn nữa, chỗ ở nhiều gia đình học sinh không ổn định nên ba mẹ đi đâu con phải theo đó, chính vì thế mà lên cấp 2 tỷ lệ bỏ học càng nhiều.

Ông Nguyễn Thắng Thời- Hiệu phó trường tiểu học A Khánh An - chia sẻ: Trường có 465/1078 học sinh là người Campuchia. Các em bên đó sang đây học đều được miễn giảm tất cả các khoản tiền đóng góp. Ngoài ra, chính quyền địa phương và nhà trường còn hợp đồng với 4 bến đò đưa đón các em miễn phí.

Trong thời gian qua, nhà trường đã có nhiều chương trình nhằm ủng hộ giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bên kia biên giới như: ủng hộ sách vở, quần áo và đặc biệt đã cùng với nhà tài trợ trích 80 triệu đồng mua tặng mỗi em học sinh bên kia biên giới một cặp phao để đi học. Hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi thương các em lắm. Mỗi khi các em bỏ học là chúng tôi lại lo lắng và tìm cách vận động các em trở lại trường.  

Biết được cái khó cái nghèo, nhiều em đã vươn lên chăm ngoan, học giỏi. Số học sinh giỏi chiếm khoảng 20%, có những em nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện; một số em đã thành đạt, thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Tri thức đã về với bản làng xa xôi bên kia biên giới. Nhận thức của người dân ngày một nâng cao trên tất cả mọi mặt, cuộc sống cũng dần đi vào ổn định và sâu xa hơn là tình biên cương hai nước anh em được vun đắp bền lâu…

Quý Ngọc 

Đọc thêm