Về miền hang động kỳ vỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bắc Kạn có vô số các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp được thiên nhiên ưu ái ban tặng như: hồ nước ngọt, những khu rừng nguyên sinh cùng nhiều di tích lịch sử… Tuy nhiên, Bắc Kạn còn nổi danh là tỉnh sở hữu những hang động kỳ vỹ gắn với câu chuyện ly kỳ, liêu trai và cũng là nơi cư dân văn hóa Bắc Sơn cổ sinh sống. Song, những hang động chưa được giữ gìn và phát huy tiềm năng du lịch xứng tầm.
Động Hua Mạ đẹp nhưng bị lạm dụng các ánh đèn màu.
Động Hua Mạ đẹp nhưng bị lạm dụng các ánh đèn màu.

Động kỳ vĩ gắn với câu chuyện ly kỳ

Động Hua Mạ là một thắng cảnh cực kỳ nổi tiếng thuộc khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể. Hang nằm bên dòng sông Lèng và thuộc bản Pắc Ngòi, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Động Hua Mạ nằm ở lưng chừng ngọn núi Cô Đơn nằm giữa khu Lèo Pèn (Rừng Ma) cây cối xanh rì, rậm rạp. Động Hua Mạ không đơn thuần chỉ là một kỳ quan thiên nhiên đẹp mà đây còn là một điểm đến gắn liền với những huyền thoại, những câu chuyện kỳ bí linh thiêng và đậm chất ly kì, bí hiểm.

Động Hua Mạ hay còn được hiểu theo nghĩa khác đó là “động đầu ngựa” gắn liền với một truyền thuyết huyền bí. Theo những người dân địa phương, trước đây khu vực Rừng Ma ở động Hua Mạ tọa lạc là nơi của ma quỷ ngự trị, tại đây cứ vào những buổi chiều tối là lại vọng lên những tiếng hú chấn động cả vùng khiến dân chúng khiếp sợ. Trong một lần tuần thú qua đây, có một vị tướng của triều đình đã định nghỉ lại ngay cạnh bờ sông Lèng. Tuy nhiên, khi đến nước sông thì ngựa cứ quay đầu và hí vang cả một vùng như báo hiệu điềm lạ. Cùng lúc tiếng hú từ động Hua Mạ vọng ra khiến tướng quân bất ngờ, đã cho hỏi dân làng và được cho biết đó là tiếng kêu khóc của những dân binh đã cùng với triều đình chống giặc. Sau khi cố thủ trong hang, bị quân giặc bít cửa hang nên mất mà không thể siêu thoát. Vì vậy, không dám ai đến gần dù là vào ban đêm hay ban ngày.

Sau khi nghe xong, để tỏ lòng biết ơn đến những tướng sĩ đã bị giặc thảm sát và cũng để lòng dân được yên. Ông quyết định sai quan quân địa phương lập ngôi chùa Thẩm Thinh để cầu siêu. Sau ba ngày cầu nguyện, dân chúng trong bản không còn nghe thấy tiếng kêu oan hằng đêm nữa. Đặc biệt, tướng quân còn hạ lệnh quân lính đập cửa hang để tụng kinh trong động. Sau khi tế lễ xong, tiếng kêu khóc không còn nữa.

Nằm ở độ cao 350m so với mực nước biển, động Hua Mạ có chiều dài khoảng 700m với trần cao khoảng từ 40 đến 50m. Chiều rộng của hang chỗ hẹp nhất là 10m và chỗ rộng nhất khoảng 43m. Động Hua Mạ có những khối nhũ đá tuyệt đẹp, khung cảnh bên trong hang động ngày càng kỳ vĩ. Vào hang, khối đá hình đầu ngựa như chào đón du khách.

Mỗi nhũ đá là một hình tượng khác nhau, tùy theo cảm nhận và trí tưởng tượng bay bổng của du khách mà những nhũ đá sẽ mang một hình hài riêng. Một số nhũ đá nổi tiếng nhất ở đây có thể kể đến như buổi thiết triều, đường sang Tây Trúc, tháp bút, hoa sen, thầy trò Đường Tăng, rèm đá, cổng trời... Khung cảnh các nhũ đá trắng được phản chiếu qua những ánh đèn tạo nên một không gian lung linh và huyền ảo, mê hoặc du khách khi ghé thăm.

Động Nàng Tiên (thôn Khuổi Hai, xã Lương Hạ, huyện Na Rì) được hình thành từ những dãy núi dài gần 10km tạo thành hình cô tiên nằm phơi mình dưới nắng, bên trong động có các nhũ đá mang dáng hình của những tiên nữ, những nhũ đá rủ xuống như tóc nàng tiên...

Động Nàng Tiên không chỉ là di tích lịch sử, văn hóa mà còn gắn bó với đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Theo truyền thuyết, vào một ngày đầu Xuân, 7 nàng tiên từ trên trời xuống hạ giới để tắm mát, vãn cảnh ở con suối dưới chân núi Phja Trạng. Do mải ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, hái hoa bắt bướm, trời tối lúc nào không biết, các nàng tiên không kịp bay về trời. Lúc đó, một người trần thế đến con suối này mò cua, bắt ốc dưới ánh trăng.

Các cô tiên liền trốn chạy lên bìa rừng ẩn nấp. Thấy vậy, trời rủ lòng thương đã tạo ra động này để các cô tiên trú ngụ qua đêm. Từ đó, người dân đã đặt tên cho con suối đó là "Khuổi Hai" có nghĩa là suối trăng và nơi các nàng tiên trú đêm là động Nàng Tiên. Hai địa danh này đã được truyền lại cho tới ngày nay.

Động Nàng Tiên là một hang đá tự nhiên ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, độ cao trong động từ 30-50m. Từ cửa hang vào trong động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp do các nhũ đá, cột đá tạo nên. Cảnh rồng bay, phượng múa bằng các nhũ đá huyền ảo lung linh ánh bạc. Những thửa ruộng bậc thang bằng đá có dòng nước mát chảy xung quanh được người dân gọi là ruộng tiên, suối tiên.

Cửa sắt tại động làm mất vẻ hoang sơ, thiên nhiên của động.

Cửa sắt tại động làm mất vẻ hoang sơ, thiên nhiên của động.

Nơi cư ngụ của cư dân văn hóa Bắc Sơn cổ

Không chỉ có động Hua Mạ, động Nàng Tiên, Bắc Kạn còn có hang Thắm và hang Pác Vạt. Trong đợt khảo sát, điều tra khảo cổ học tháng 7/2016, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Bắc Kạn đã phát hiện hai di tích hang động tiền sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là hang Thắm (huyện Na Rì) và hang Pác Vạt (huyện Ba Bể).

Theo PGS-TS Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát, đây là lần đầu tiên phát hiện được di tích của cư dân văn hóa Bắc Sơn cổ trên đất huyện Na Rì. Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng, hang Thắm là một di tích cư trú của người tiền sử, có tuổi thời đại Đá mới, thuộc cư dân văn hóa Bắc Sơn có niên đại khoảng 8.000 - 9.000 năm cách ngày nay.

Dấu tích của người nguyên thuỷ tìm thấy hầu như khắp khu vực hang. Hiện tầng văn hóa xuất lộ ngay trên bề mặt với 1 lớp văn hóa duy nhất dày khoảng 60cm, có độ kết cấu khá cứng, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu xám sẫm, xen lẫn vỏ nhuyễn thể sông, suối và di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá. Tất cả công cụ đều được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo khá thuần thục. Loại hình công cụ ở đây mang đặc trưng công cụ văn hoá Bắc Sơn như công cụ hình rìu thân dài, phần lưỡi đã được mài sơ bộ, công cụ chặt hình bầu dục, công cụ nạo, rìu ngắn được ghè đẽo hai mặt, mảnh “dấu Bắc Sơn” bị gẫy. Đã tìm thấy ở đây bàn mài, chầy nghiền, bàn nghiền và nhiều công cụ mảnh tước. Cùng với những di vật trên là dấu tích xương động vật, vỏ nhuyễn thể như ốc núi, ốc suối và một số hạt quả như quả lai, tram - là tàn tích thức ăn của người tiền sử bỏ lại. Đáng chú ý, đã tìm thấy một mảnh xương sọ người cùng mảnh thổ hoàng chôn kèm. Trên mảnh bàn nghiền có dấu màu đỏ sẫm, có thể được dùng để nghiền thổ hoàng bôi lên cơ thể người sống cũng như khi đã chết. Điều này cho thấy, người chết được chôn cất ngay trong nơi cư trú của người xưa. Việc tìm thấy nhiều bàn nghiền, chầy nghiền và những dấu tích còn lại cho thấy săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây. Sự có mặt của nhiều đá cuội nguyên liệu, đá có vết ghè và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ.

Còn hang Pác Vạt rộng gần 1.000m2, nằm trên sườn núi đá vôi thấp, cách sông Năng khoảng 40m. Quá trình khảo sát đã phát hiện hơn 10 công cụ đá ghè đẽo, gồm công cụ chặt thô, mũi nhọn, rìu ngắn. Đây là những công cụ lao động thô sơ mang tính đa năng của người tiền sử. Trong một vách hang, còn lưu lại dấu vết lớp trầm tích một tầng văn hóa khảo cổ chứa mảnh tước đá, vỏ ốc suối bị chặt cụt đuôi, ốc núi và xương răng động vật.

Hang Thắm nơi cư ngụ của cư dân văn hóa Bắc Sơn cổ.

Hang Thắm nơi cư ngụ của cư dân văn hóa Bắc Sơn cổ.

Cần bảo vệ và phát huy tiềm năng du lịch động

Động Nàng Tiên đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và đã được đầu tư tu bổ. Tuy nhiên, hệ thống đường điện chưa tốt nên trong động còn tối, các dịch vụ chưa phát triển. Đặc biệt, trong động, có không ít du khách viết chữ, khắc chữ bừa bãi trên các vách đá làm hư hại nghiêm trọng nhũ đá cũng như làm xấu cảnh quan.

Tại hang Hua Mạ, một số du khách, người dân quanh vùng tới thăm quan động còn hút thuốc lá phì phèo, vứt tàn thuốc lá ngay trong động. Ngay trước cửa động Hua Mạ, có một bàn thờ nghi ngút khói hương, ám khói trong động. Khói thuốc lá, khói hương làm tổn hại rất lớn tới nhũ đá, măng đá và ô nhiễm ô trường động. Những thùng rác đặt ngay ở ngoài cửa động cũng gây sự phản cảm tới du khách. Các cửa làm bằng sắt tại cửa động cũng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sự hoang sơ của động đá.

Nên chăng, tỉnh Cao Bằng nói chung và các địa phương có các hang động cần lập miếu thờ riêng xa hẳn cửa động để du khách có thể thắp hương tâm linh mà không làm ảnh hưởng tới các kỳ quan trong động; Ban Quản lý động Nàng Tiên cần xóa hết những chữ khắc, vẽ đầy phản cảm của du khách, trả lại vẻ đẹp hoang sơ của động. Nghiêm cấm và xử phạt nghiêm những hành động xả rác, vẽ bậy và hút thuốc lá trong động. Ngoài ra, địa phương cần nghiên cứu lắp những đèn chiếu động mang tính nghệ thuật, tránh lắp đèn quá nhiều màu sắc lòe loẹt làm ảnh hưởng các nhũ đá, mang đá, giảm vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của các hang động.

Đọc thêm