Về miền hoa ban thưởng thức 'Huyền tích UVA'

(PLVN) - Show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA” là sản phẩm du lịch độc đáo, một trong những điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp UBND huyện Điện Biên sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm mới, lạ, hấp dẫn.
Quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ

Độc đáo văn hóa dân tộc Thái

Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 là Lễ khai mạc và Lễ hội Hoa ban năm 2024, với chủ đề: “Về miền hoa ban” được tổ chức vào ngày 16/3/2024 tại Quảng trường 7-5, thành phố Điện Biên Phủ.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên có chủ đề “Về miền hoa ban”, giới thiệu và dẫn dắt người xem và du khách qua những không gian, thời gian, điểm đến đặc biệt của tỉnh Điện Biên, đó là: Điện Biên - Miền đất huyền thoại để du lịch về cội nguồn, để tìm về miền biên ải của Tổ quốc - Nơi xứ cổ Mường Thanh; Huyền tích văn hóa gắn với điểm đến du lịch với Huyền tích UVA; Huyền thoại chàng Khum và nàng Ban gắn với hình ảnh hoa ban Điện Biên; Niềm tự hào và lời ngợi ca các thế hệ cha ông đã hy sinh cho đất nước và hóa thân thành tượng đài bất tử, để mỗi người Việt Nam được mãi mãi tự hào.

Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND huyện Điện Biên giới thiệu sản phẩm du lịch mới: Show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA”, mong đợi sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, lạ, hấp dẫn. Diễn ra vào 18 giờ các ngày 13/3, 14/3, 15/3 và 17/3/2024, “Huyền tích UVA” bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc sẽ tái hiện huyền tích lịch sử và các vũ điệu dân gian độc đáo, văn hóa dân gian dân tộc Thái gắn với điểm đến du lịch để phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm của du khách.

Về miền hoa ban. (Ảnh: Du lịch Điện Biên)

Show diễn thực cảnh được tổ chức tại bản Uva, xã Noong Luống, Điện Biên. Không gian biểu diễn gắn với cảnh quan thiên nhiên khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Uva, hồ sen Uva, được trang trí cảnh núi rừng đặc trưng vùng Điện Biên với hồ Uva, cọn nước, hoa ban, đồng ruộng… tạo ra những tiểu cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Với thời lượng khoảng gần 40 phút, show diễn đưa người xem đến với không gian nghệ thuật được kết nối bởi 3 chương: Tái hiện truyền tích người Thái gắn liền sự tích quả bầu; Truyền tích chiếc khăn piêu - cây hoa ban; Lễ hội Xên Pang, bày tỏ lòng cảm ơn trời đất, tổ tiên.

“Huyền tích UVA” sử dụng nhạc cụ chiêng, chũm chọe, trống đàn tính, khèn… dụng cụ lao động sản xuất của người Thái, chài, khung cửi, cối xay, giã gạo… yên ngựa, đầu ngựa giáo mác cung nỏ (đoàn quân Quan Cong) Quả Bầu Mẹ, khăn piêu lớn (sân khấu hóa), thang Khau Cát, cáp treo thang Khau Cát…

Show diễn thực cảnh tái hiện những nét đẹp nhân văn, lâu đời, niềm tự hào của người Thái trong mối liên kết giữa hiện tại và quá khứ. Ban Tổ chức mong muốn “Huyền tích UVA” sớm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn, lan tỏa, gắn kết của tỉnh Điện Biên.

Điệu múa xòe Thái ở Điện Biên. (Ảnh: Cổng TTĐT Điện Biên)

169 chương trình Năm Du lịch quốc gia 2024

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng thông tin, ngoài show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA” sẽ có 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2024, trong đó có 13 chương trình, sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức; tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, hoạt động; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức. Ví như: Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên, Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024 tổ chức vào tháng 8; Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 vào quý II; Lễ tổng kết, bế mạc “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024” tổ chức vào tháng 12.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết thêm, các sản phẩm du lịch của địa phương chủ yếu gắn với yếu tố lịch sử và tâm linh. Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia được kỳ vọng là cú hích quan trọng giúp kinh tế - xã hội nói chung và du lịch tỉnh Điện Biên nói riêng khởi sắc, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng sản phẩm mới, hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chơi trò chơi đi cà kheo tại lễ hội Xên Pang. (ảnh: Lehoi.info)

Hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có sân bay kết nối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa được nâng cấp, mở rộng thành sân bay lớn, đủ điều kiện cho máy bay A320, A321 hoạt động; hệ thống giao thông đường bộ kết nối các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... Đó là những yếu tố quan trọng để tỉnh Điện Biên xây dựng và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng kỳ vọng năm 2024, Điện Biên sẽ đón 1,3 triệu lượt du khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.200 tỷ đồng. Năm 2023, Điện Biên lần đầu tiên đạt mốc đón hơn 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107% kế hoạch năm; trong đó du khách quốc tế đạt 7.500 lượt.

Là “trái tim”, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ là nơi diễn ra trực tiếp các chương trình, hoạt động nằm trong “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024”. Song song với công tác chuẩn bị chuỗi sự kiện, công tác tuyên truyền cổ động trực quan đang được tỉnh Điện Biên triển khai đẩy mạnh. Trên các trục đường chính trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận đã được căng treo các băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, cụm cổ động... Thiết kế, lắp đặt một số tiểu cảnh phù điêu giới thiệu Năm Du lịch quốc Gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa ban năm 2024 tại một số điểm trong trung tâm thành phố.

Truyền tích chiếc khăn piêu được tái hiện tại Huyền tích UVA. (Ảnh: Du lịch Điện Biên)

Thành phố Điện Biên Phủ đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh du lịch; tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đồng thời đầu tư nâng cấp, xây mới, mở rộng các dịch vụ đón khách; tăng cường công tác quản lý về giá, công khai và niêm yết đúng giá các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Qua thống kê trên địa bàn thành phố hiện có 106 cơ sở lưu trú, với 1.766 buồng/3.233 giường, trong đó có: 26 khách sạn, 66 nhà nghỉ, 7 nhà khách, 04 homestay, 2 nhà trọ, 8 bản văn hoá; tăng cường công tác vận động các hộ gia đình trên địa bàn thành phố đăng ký đón khách du lịch trong thời gian cao điểm tổ chức các hoạt động; chuẩn bị các phương án đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố, đặc biệt các khách sạn, nhà nghỉ, các địa điểm tổ chức sự kiện và lễ hội.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Điện Biên được biết đến là mảnh đất lịch sử gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những di tích như: Đồi A1, Hầm De Castries, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng hay Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ... được đầu tư xây dựng, tôn tạo đã đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài thế mạnh du lịch lịch sử, Điện Biên còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe với hệ thống suối khoáng nóng, các homestay được đầu tư hay du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm bản sắc văn hóa của 19 dân tộc.

Tỉnh Điện Biên hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 1 Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó Nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điện Biên còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng.

Đọc thêm