Cá ngựa Sông Cầu
Một ngày đầu tháng tư nắng xuân ấm áp, phóng viên trong vai du khách ghé thăm phố cá ngựa Sông Cầu thuộc xã Xuân Cảnh (TX. Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) . Tiếp chúng tôi, chị Võ Thu Hà (36 tuổi) - chủ quán cá ngựa Đam Mê niềm nở: “Món này “ông uống bà khen” à nghen”. Anh cứ ngắm thoải mái, mua về làm quà cũng được mà không mua cũng vui…”. Tầm một lúc, có những người khách từ nhà hàng Bãi Tiên gần đó đến quán chị và mấy quán khác chọn mua “chiến mã” về làm quà tặng người thân hay cho chính mình. Bán được bình cá ngựa cho một ông khách đến chọn mua, mặc dù giá rất “phải chăng” nhưng khuôn mặt chị vui như nông dân trúng mùa lúa.
Chị Hà cho biết, giá bán mỗi bình rượu 2 - 4 lít ngâm kèm một cặp cá ngựa dao động từ 200 - 400 ngàn đồng, có khi cao hơn. Ngoài bán cá ngựa ngâm rượu, nếu khách cần mua cá sống, ngâm đá hay phơi khô quán cũng có ngay. Người mua cá sống thì có thể tự tay bắt cá ngâm vào bình rượu đã chuẩn bị sẵn mang về, còn cá ướp lạnh hay khô được tự do sờ nắn, lựa chọn con mình ưng ý... Khách hàng ở đây chủ yếu các quý ông đi tham quan, công tác du lịch ghé quán mua về làm quà, bồi dưỡng cơ thể hay trưng chơi. Cá ngựa ở Sông Cầu được người mua ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, khách du lịch mua cá ngựa ở đây không bị ép giá, giữa các chủ hàng cũng không có chuyện dìm hàng, chèo kéo khách.
|
Cá ngựa khô. |
Ghé đại lý cá ngựa của chị Huỳnh Thị Mỹ Loan (40 tuổi), chúng tôi “say đắm” những bình ngâm cá ngựa bắt mắt trong ngôi nhà khang trang. Chị Loan tâm sự: “Vợ chồng em kinh doanh nghề “hiếm có” này nơi quê mình được hơn mười năm nay. Ngày càng nhiều quán cá ngựa mọc lên. Trước kia, trung bình mỗi ngày bán được vài bình rượu, nay “sức” mua cũng giảm. Tuy vậy, vợ chồng em buôn bán vẫn kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, nuôi sắp nhỏ học hành”. Vào một quán khác, chúng tôi “gặp” anh chủ vui tính còn khá trẻ, cười tươi rói. “Chuyện ấy khi thưởng thức món này thế nào anh?”, khách thật thà hỏi. Anh cười bí mật: “Cứ thử đi mới biết, một bình rượu cá ngựa chỉ có 300 ngàn đồng mà có tác dụng ngay”.
Cá ngựa đã được Viện Hải dương học nuôi dưỡng thành công nhưng độ lớn còn chậm. Con giống chỉ lấy từ một nguồn duy nhất là đánh bắt tự nhiên ngoài biển. Như vậy nguồn sinh sản chủ yếu của cá ngựa vẫn là môi trường biển, chưa lai ghép được. Vùng biển Sông Cầu có nhiều vịnh, gành nên môi trường thích hợp cho loài cá ngựa tập trung sống và sinh sản.
Hiện nay, cá bị người dân đánh bắt bừa bãi, khai thác một lượng lớn e sẽ bị mất cân bằng trong hệ sinh thái. Cá ngựa ở đây có nhiều màu: vàng, đen, trắng, tím... được chủ quán mua từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu cá còn sống, chủ quán cho cá vào bồn thủy tinh sục khí oxy. Trong môi trường nhân tạo như thế, cá chỉ sống khoảng 7 ngày. Nếu cá chết phải đem ướp lạnh hoặc phơi khô. Trong quán lúc nào cũng có 3 loại cá: sống, lạnh, khô. Người mua thích loại nào chủ quán cũng sẵn sàng chiều. Anh chủ quán không ngần ngại cho tôi xem một hộp cá ngựa đang ướp lạnh. Sờ nắn thấy cá còn mềm, tươi như vừa mới bắt.
“Lên đời” nhờ cá ngựa
Cá ngựa có tên khoa học là Hipocampus, sống nhiều ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá có ở khắp các miền biển nhưng nhiều nhất là vùng biển Sông Cầu, Phú Yên. Đây là loài thủy sản quý hiếm, có tác dụng trị bệnh và bồi dưỡng cơ thể. Trong dân gian, cá ngựa dùng để trị bệnh hen suyễn, đinh nhọt, tráng dương bổ thận…
|
Chị Thu Hà bên những bình cá ngựa. |
Theo Đông y, cá ngựa có tính ôn vị ngọt, giúp khí huyết lưu thông tốt, kích thích chuyện chăn gối phòng the… Cá ngựa ngâm rượu có tác dụng và niềm tin với người tiêu dùng. Theo thị hiếu, người tiêu dùng thích cá màu vàng vì cho rằng loại này hiếm nên giá trị càng cao. Giới sành chơi gọi sản phẩm này bằng một tên khá độc đáo “rượu ông uống, bà khen”, “rượu cường dương bổ thận”. Chuyện thực hư và tác dụng thế nào chưa rõ nhưng nhìn hình thức bình rượu, người mua cũng đủ đặt niềm tin.
Một quán rượu cá ngựa “bật mí” về cách chế biến, ngâm rượu cá ngựa: “Do cá ăn phù du, mình xương, ở nước mặn nên cá không bẩn như các loài khác, chỉ cần rửa sạch bên ngoài, cho vào bình rượu ngâm là xong. Có nhiều cách ngâm khác nhau. Thông thường ngâm một cặp cá ngựa sống (cỡ bằng ngón tay cái) trong hai lít rượu gạo nguyên chất; hoặc có khi ngâm nhiều cá kết hợp với tắc kè, sao biển, sáp ong, củ đinh lăng hay một vài vị thuốc bắc...”.
Được biết, cá ngựa được ngư dân bắt, cung cấp cho các đầu nậu từ hai nguồn chính. Nguồn ngư dân đi câu mực, đánh cá gần bờ chủ yếu trong các vịnh gành, tranh thủ lặn bắt, mỗi đêm may mắn cũng được vài con. Nhiều người nên mỗi ngày cá bắt được ở cả khu vực Sông Cầu khá nhiều. Bắt kiểu này được nguyên cá sống. Ngư dân sáng sớm đem bày bán giữa chợ, được giá nhiều người dân phất lên trông thấy. Có người đem trực tiếp đến chủ quán, vì bạn hàng nên giá cả thỏa thuận rất nhanh.
Nguồn thứ hai lấy từ các ghe lớn đi giã cào ngoài khơi. Mỗi lần ngư dân về kéo được vài ký, loại này là cá ướp lạnh hoặc phơi khô nên giá rẻ hơn. cá ngựa Sông Cầu - Phú Yên thường xuất hiện nhiều từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Khi gió nam về, cá ít hơn. Ngư dân đi bắt cá ngựa dù không phải dân chuyên nghiệp nhưng ở đây mỗi sớm ghe vào, câu chuyện bắt cá, được cá cũng làm rộn ràng cả xóm. Người này được bao nhiêu con, người kia bán bao nhiêu tiền, trong xóm đều biết. Ngoài thu nhập từ đánh cá, câu mực, tiền thu được từ con cá ngựa cũng đáng kể đối với ngư dân vùng này./.