Tương truyền, những cây Xích Tùng được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử của ngài và nhiều thế hệ tu hành của Thiền phái Trúc Lâm trồng. Tại non thiêng Yên Tử có nhiều cây Xích Tùng cổ thụ được phân bố ở một khu vực rộng lớn như chùa Hoa Yên, Am Dược, thác Vàng, thác Bạc với khoảng 233 cây . Đặc biệt có một con đường mòn độc đạo đi xuyên qua rừng với nhiều cây Xích Tùng cổ hai bên được gọi là đường Tùng.
Đường Tùng và đường Trúc là hai con đường hành hương linh thiêng của các phật tử lên chùa Đồng trên non thiêng Yên Tử.
Đường Tùng vừa là di sản vừa là chứng tích lịch sử cho tình yêu thiên nhiên và lối sống hoà hợp với thiên nhiên của con người - một giá trị cốt lõi của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.
Khi bộ hành trên đường Tùng, dưới tán lá xanh của những cội Tùng có tuổi đời trên 700 năm,ngoài tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ dường như du khách còn cảm nhận thời gian như lắng đọng, cuộc sống như chậm lại. Trên đường Tùng cổ thụ có nhiều cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại. Ngoài ra còn có nhiều nguy cơ xâm hại khác cho cây Tùng như bệnh xỉ mủ làm chết hoại dần phần thân gỗ, bệnh khô cành, thân do nấm…
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, từ năm 2020 đến nay đã có thêm 5 cây Xích Tùng cổ bị chết, tổng số cây còn lại trong quần thể Khu di tích Yên Tử là 228 cây. Nguyên nhân do tuổi thọ cây cao, quá trình phát triển bị sâu bệnh, một số cây bị thiên tai như; sét, giông tố, lốc khiến cây bị đổ, chết.
Năm 2019, Dự án chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử được triển khai, ngân sách từ tiền bán vé tham quan Yên Tử. Số cây Xích Tùng trồng mới đến nay là 758 cây, tỷ lệ sống của cây con cao. Cùng với quần thể 228 cây Xích Tùng cổ, số cây trồng mới hiện vẫn đang được chăm sóc, theo dõi và bảo vệ chặt chẽ.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại trong chuyến về thăm non thiêng Yên Tử.
Cây xích tùng là loại cây đặc trưng gắn liền với miền đất thiêng Yên Tử. Ảnh: Quang Hà |
Cành lá xum xuê của một cây xích tùng cổ thể hiện sức sống mãnh liệt. Ảnh: Quang Hà |
Theo các nhà nghiên cứu tuổi đời của các cây Xích Tùng cổ đã hơn 700 năm, được trồng vào thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi ngài tu hành tại Yên Tử. Ảnh: Quang Hà |
Nét trầm lắng, yên tĩnh tại đường Tùng, nơi giúp du khách tạm gạt bỏ những bộn bề cuộc sống. Ảnh: Quang Hà |
Những rễ Tùng cổ thụ nổi lên trên mặt đất như những bậc thang tự nhiên nâng bước du khách. Ảnh: Quang Hà |
Lá kim đặc trưng của Xích Tùng. Ảnh: Quang Hà |
Du khách trải nghiệm đi bộ trên đường Tùng, cảm nhận vẻ trầm mặc, cổ kính của các "cụ" Xích Tùng . Ảnh: Quang Hà |
Hai cây Xích Tùng và Thông cổ thụ bị sét đánh năm 2021. Ảnh: Quang Hà |
Dấu hiệu hai cây Tùng và thông cổ đã chết khô sau khi bị sét đánh năm 2021 Ảnh: Quang Hà |
Không tránh khỏi quy luật thời gian, một "cụ" Xích Tùng già đã chết năm 2013. Ảnh: Quang Hà |
Những cây Xích Tùng được Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử trồng mới. Ảnh: Quang Hà |