Hành trình của lý tưởng
“Trở lại”, bởi trước đây Đảng bộ Báo PLVN từng chọn “thủ đô kháng chiến” để tổ chức Lễ trao quyết định công nhận đảng viên chính thức cho các đảng viên trong Tòa soạn. Gần chục năm qua đi, Đảng bộ Báo lại về đây tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 và Lễ kết nạp đảng viên mới. Đây là những chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa nhằm vun đắp lý tưởng cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Báo.
Mỗi người Việt Nam đều có chung nguồn cội, là dân tộc, là quê hương, là dòng giống con Rồng cháu Tiên. Yêu cội nguồn chính là sự tự hào dân tộc, là tấm lòng ơn Đảng, ơn Bác và những thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh cho đất nước. Đó còn là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm công dân, sự dấn thân cho lý tưởng và khát vọng của mỗi người. Bởi vậy, với những đảng viên Báo PLVN nói chung và các đảng viên trẻ nói riêng, được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng tại địa chỉ đỏ thiêng liêng của Cách mạng Việt Nam - nơi có Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp - là một kỷ niệm không bao giờ quên.
Từ chân núi Nà Nưa, chúng tôi bước qua 79 bậc đá để đến căn lán Nà Nưa đơn sơ. Nơi đây, Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc từ cuối Tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Căn lán nhỏ hơn 10m2 với vách nứa, mái lá được dựng dưới tán cây râm mát, đảm bảo những yêu cầu Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán được chia thành hai gian, gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Nếu không có thuyết minh của hướng dẫn viên, nhiều người khó có thể hình dung được, từ căn lán nhỏ này, nhiều chủ trương, kế hoạch lớn cho Cách mạng Tháng Tám đã được Bác nghiên cứu, soạn thảo.
|
Đình Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời tuyên thệ chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc. |
Trong mùi hương huệ vấn vít bên lư hương trước lán Nà Nưa, câu chuyện như nghẹn lại khi nữ hướng dẫn viên kể về lần Bác ốm nặng. Sống giữa núi rừng khắc nghiệt, Bác chủ yếu ăn măng rừng chấm muối, dùng nước trà thay canh; muỗi, vắt lại nhiều; trong khi Bác thường xuyên thức đêm suy nghĩ việc nước, việc dân nên sức khỏe gần như cạn kiệt. Vào một ngày tháng 7/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên lán báo cáo tình hình chiến sự thì không thấy Bác làm việc ở gian ngoài như mọi khi. Nhìn vào gian trong, đồng chí thấy Bác nhắm mắt ngồi tựa vào vách nứa, toàn thân sốt run. Lo cho sức khỏe của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại với Bác đêm ấy. Trong đêm, Bác sốt liên miên, lúc tỉnh, lúc mê, nhưng hễ lúc nào dứt sốt, Bác lại bàn chuyện nước. Một lần tỉnh lại sau cơn sốt kéo dài, sợ mình không qua khỏi, Bác đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp những lời gan ruột: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.
Biết Bác ốm nặng, người dân trong làng tìm các bài thuốc nam cho Bác, nhưng cơn sốt vẫn không dứt. Một ngày, có cụ lang già người Tày đi qua, biết chuyện, cụ cầm tay Bác bắt mạch rồi lắc đầu nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp và dân làng: Bệnh tình của cụ Ké chỉ còn một phần sống! Nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng, may ra cứu được. Nói rồi cụ lang vào rừng tìm một loại rễ cây đem về đốt cháy, hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Sau khi uống lần đầu, Bác thấy trong người khác hẳn; uống vài lần, Bác dứt cơn sốt rét và lại gượng dậy tiếp tục làm việc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhớ ơn người đã cứu mạng, Bác cho người về Tân Trào dò hỏi thông tin của vị lang già. Nhưng dân làng ở đây không ai biết, họ bảo rằng, thầy lang đó là người vùng khác và thường đi khắp bốn phương để chữa bệnh cứu người.
Chúng tôi lặng đi vì xúc động, vài người đưa tay lau vội giọt nước mắt. Câu chuyện về Bác, về vị lang già đã để lại trong chúng tôi bài học vô cùng quý giá về đức hy sinh cao cả của Bác dành cho dân tộc. Bởi ngay khi suy yếu, Bác vẫn không màng đến bản thân, chỉ một lòng nghĩ đến con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, cơm áo cho đồng bào. Còn cụ lang già, làm ơn không màng đến chuyện trả ơn.
Khát vọng cống hiến
Nghĩ về Bác, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi người trong chúng tôi như thấy mình được soi sáng tâm hồn, được “lớn” hơn, trưởng thành hơn: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng thấy lớn ở bên Người một chút” (Tố Hữu). Đó còn là bài học về lối sống giản dị, gần dân, hiểu dân của Bác qua những câu chuyện tại Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào. Đến dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, các ngành, các giới, các đảng phái... Quốc dân Đại hội đã thông qua Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17/8/1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm Lễ tuyên thệ. Do trời mưa, đường lầy lội, Bác Hồ phải đi chân đất từ lán Nà Nưa đến đình Tân Trào. Bác rửa chân dưới suối rồi vào sân đình, một số đại biểu nghĩ rằng Bác sẽ đứng lên tảng đá thề đọc Lời tuyên thệ. Nhưng không, Bác chỉ đứng trước tảng đá, giọng Bác trang nghiêm: “…Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề.!”.
|
Lán Nà Nưa nơi - Bác Hồ đã sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945. |
Bác giải thích với một số đại biểu: đồng bào ở đây coi tảng đá thề như chiếc mâm thiêng để bày lễ vật dâng lên trời đất; nếu mình đứng lên tảng đá sẽ phạm vào phong tục, tập quán của dân làng. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng “điều kiêng kị” này ít người để ý, còn Bác, chỉ sống với đồng bào hơn 3 tháng, Bác đã nắm rõ và và tìm hiểu kỹ phong tục nơi đây.
Từ lời tuyên thệ thiêng liêng và những câu chuyện cảm động của Bác truyền cho chúng tôi sự ngưỡng mộ một nhân cách lớn, “một Mặt trời cách mạng” nhưng luôn sống giản dị nhất có thể. Lời thề Bác đọc hôm ấy đã thôi thúc các thành viên tham dự Đại hội dấn thân cho lý tưởng cách mạng, lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền, làm nên một Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Còn hôm nay, cũng trên mảnh đất lịch sử này, chúng tôi như đang được nghe từ sâu thẳm trái tim mình vang vọng lại những lời căn dặn của Bác: “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”.
Có lẽ, với mỗi người Việt Nam yêu nước, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, thủy chung với lý tưởng cách mạng luôn có sẵn trong dòng máu của mình. Lời thề năm ấy luôn được thế hệ này nối tiếp thế hệ khác giữ gìn và phát huy. Cũng vì lẽ đó, tại Lễ kết nạp Đảng viên, những quần chúng ưu tú của Báo PLVN khi đứng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng xúc động và tự hào khi đọc lời tuyên thệ tuyệt đối trung thành với lý tưởng và mục tiêu cách mạng của Đảng, của Bác; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đảng viên; luôn nỗ lực cố gắng, không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân... Như chia sẻ của Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo PLVN Trần Đức Vinh: việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam là niềm vinh dự lớn lao, là một bước phát triển mới của từng cá nhân, đồng thời cũng thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh của mỗi đảng viên. “Không cần phải thực hiện ngay những mục tiêu to lớn, tôi chỉ mong các đồng chí đảng viên mới phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt những điều mình đã tuyên thệ hôm nay”- Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo PLVN Trần Đức Vinh nhắn nhủ.
Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc cũng được bắt nguồn và bồi đắp từ những điều bình dị, từ sự nỗ lực, sự thi đua của nhiều người cộng lại. Mỗi ngày mới đến, phải sống làm sao tốt hơn ngày hôm qua. Không một công việc nào là nhỏ bé, trong mỗi chúng ta, ai cũng có thể đóng góp vào khát vọng lớn lao của dân tộc qua những việc làm cụ thể, thiết thực để Tổ quốc được trường tồn và phát triển mạnh giàu. Làm được điều đó cũng chính là chúng ta đã thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác.