Về thăm mảnh đất 'vùi thây' 75 lượt tiểu đoàn địch

(PLVN) - Đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch trên chiến trường Chương Thiện, đập tan hoàn toàn kế hoạch tràn ngập lãnh thổ và là chiến công oai hùng của quân và dân Tây Nam bộ. Chiến công này đánh dấu móc son chói lọi, góp phần to lớn cho tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Địch trắng trợn vi phạm Hiệp định Pari

Địa bàn Chương Thiện (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) do địch lập ra bao gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu... là vị trí chiến lược quan trọng, đầu mối giao thông thủy, bộ nối liền với Sài Gòn và các địa danh khác. Đây là hành lang bảo vệ đầu não ngụy vùng 4 chiến thuật đóng ở Cần Thơ và làm lá chắn ngăn chặn lực lượng ta từ U Minh.

Di tích lịch sử Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch được lập tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
 Di tích lịch sử Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch được lập tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Năm 1973, do bị thất bại nặng nề trên chiến trường và trên mặt trận đối ngoại, Mỹ và chính quyền nguỵ Sài Gòn buộc phải ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973), công nhận chủ quyền Việt Nam và buộc phải chấp nhận rút hết đội quân xâm lược và đồng minh của Mỹ về nước.

Tuy nhiên, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký, Mỹ đã ồ ạt viện trợ tiền bạc và vũ khí cho chính quyền nguỵ Sài Gòn để tiến hành “Kế hoạch tràn ngập lãnh thổ”, phá hoại Hiệp định, chiếm đất, giành dân, xoá vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng và cơ sở cách mạng.

Khi đó, ngụy quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu ra mặt phản đối Hiệp định một cách trắng trợn. Chúng đưa yêu sách 4 không: Không có hòa bình; không có giải pháp chính trị; không có ngừng bắn; không có tổng tuyển cử; phổ biến cho ngụy quân, ngụy quyền: Trên hòa bình - dưới chiến tranh; ngoài hòa hợp - trong bình định.

Xe tăng M48.A3 nặng 47,2 tấn quân đội Mỹ đã sử dụng tại chiến trường Việt Nam từ tháng 7/1969.
 Xe tăng M48.A3 nặng 47,2 tấn quân đội Mỹ đã sử dụng tại chiến trường Việt Nam từ tháng 7/1969.

Trong bối cảnh cực kỳ ác liệt và phức tạp đó, cả ta và địch đều xác định, Chương Thiện là địa bàn quân sự có tính chiến lược. Quân khu uỷ khu 9 đã ra chỉ thị: Địch vi phạm Hiệp định chúng ta phải trừng trị, không chấp nhận ngừng bắn, tư tưởng tiến công vẫn là nguyên tắc chỉ đạo... phải tiếp tục tiến công để giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ bằng biện pháp đấu tranh mặt pháp lý của Hiệp định chúng đã ký kết, vừa đẩy mạnh phản công bằng sức mạnh chính trị, quân sự và binh vận.

Chiến thắng oai hùng của quân, dân vùng Tây Nam bộ

Trên địa bàn Quân khu 9, địch đã tăng cường càn quét lấn chiếm rất ác liệt với hàng trăm tiểu đoàn của nhiều sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn chủ lực của địch, với các loại máy bay chiến đấu hiện đại, với các loại bom pháo rải thảm dày đặc, khốc liệt. Đặc biệt, chúng đã tập trung vào bình định lấn chiếm khu vực Chương Thiện.

Chiến sự diễn ra ngày một ác liệt, đỉnh điểm là giữa tháng 3/1973, địch mở màn kế hoạch bình định bằng cuộc hành quân với lực lượng 30 tiểu đoàn, 52 xe thiết giáp M113, 4 tiểu đoàn pháo binh đánh vào Tây nam Long Mỹ nhằm bịt cửa ngõ U Minh và đẩy quân ta ra khỏi Chương Thiện. Đến cuối tháng 4/1973, địch tăng quân số lên 46 tiểu đoàn.

Máy bay CH-47 là phương tiện chiến tranh với hỏa lực mạnh được sử dụng trên chiến trường Chương Thiện bị Quân dân khu 9 bắn rơi.
 Máy bay CH-47 là phương tiện chiến tranh với hỏa lực mạnh được sử dụng trên chiến trường Chương Thiện bị Quân dân khu 9 bắn rơi.

Không lâu sau, địch tiếp tục tập trung quân lên đến 75 lượt tiểu đoàn nhằm “tràn ngập lãnh thổ”, bình định lấn chiếm Chương Thiện; cô lập, “nhổ cỏ U Minh”, nhưng đã bị quân dân ta chặn đánh quyết liệt. Khi ta mở đợt tiến công giải phóng Long Phú (Long Mỹ) và nhiều mục tiêu quan trọng khác thì kế hoạch bình định Chương Thiện năm 1973 của địch bị ta tiêu diệt hoàn toàn.

Là người trực tiếp tham gia chiến trường năm xưa, ông Nguyễn Hoàng Thinh, Nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang) kể, bộ đội địa phương kế hợp với quân dân du kích bao vây các đồn giặc để cắt đứt viện trợ, cô lập hoàn toàn không để vận chuyển lương thực. Kết hợp mọi kế hoạch đánh địch khiến chúng mất ăn, mất ngủ, giảm xúc tinh thần lần lược quân ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chiến thắng Chương Thiện đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang của quân và dân Khu 9 đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch đã đập tan hoàn toàn kế hoạch tràn ngập lãnh thổ. Đánh dấu bước ngoặc lịch sử trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Góp phần thiết thực vào bước chuẩn bị cho đợt tổng phản công và tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi trọn vẹn.

Được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt

Trong kháng chiến quân và dân xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ - Hậu Giang) đã đào nhiều tuyến kênh như: kênh Trực Thăng, kênh Mười Ba… để tạo địa hình chia cắt ngăn bước tiến xe tăng giặc, đồng thời phục vụ cho các tuyến giao liên của quân ta.

Tham gia chiến sự tại địa bàn Chương Thiện tỷ lệ quân ta – địch là 1/8 nhưng do nắm chắt điểm mạnh của ta, chỗ yếu của giặc, biết chủ động tấn công nên giành được phần thắng. Chiến dịch thắng lợi, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến hơn 40.000 tên, rả ngũ 10.000 tên. Đánh bại, càng quét 75 lượt tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 31 tiểu đoàn địch. Bắn chìm 128 tàu, phá hủy 376 xe, 108 pháo, hủy diệt 37 máy bay. Tịch thu 1.000 súng, bức rút 152 đồn và giải phóng 80.000 dân.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ) là “Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt”.

Đọc thêm