Về thăm ngôi đình ngàn năm bên sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, Đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại nghìn năm lịch sử. Cùng với nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính, đình Chèm còn mang trong mình sự tích về một vị tướng tài đức trọng, có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.
Đình chèm cổ kính có niên đại hơn ngàn năm (ảnh Thùy Dương).
Đình chèm cổ kính có niên đại hơn ngàn năm (ảnh Thùy Dương).

Ngôi đình thờ vị tướng tài đức

Đình Chèm soi mình xuống bên sông, nằm ngay ở ngã ba của hạ lưu sông Hát Giang với sông Hồng và thượng du của sông Nhuệ từng một thời là chốn tấp nập trên bến dưới thuyền của đất Thăng Long - Hà Nội. Tín ngưỡng thờ Ông Trọng là một trong những tín ngưỡng cổ nhất tại Thăng Long - Hà Nội.

Đời vua Thục, nhà Tần bị giặc Hung Nô quậy phá, Tần Thủy Hoàng biết Lý Ông Trọng là người tài bèn sai sứ sang cầu vua Thục cử tướng tài sang giúp. Triều đình nhà Thục cử Lý Ông Trọng đi giúp Tần dẹp giặc và lập mối bang giao hai nước. Vua Tần thử tài thấy văn đạt “Hiếu Liêm” (Tiến sĩ), võ đạt “Hiệu úy” (Tổng chỉ huy) bèn phong ông làm tư lệnh Hiệu úy và nhờ ông đi dẹp giặc Hung Nô. Thắng trận khải hoàn, vua Tần gả công chúa cho và phong tước Phụ Tín Hầu cho ông.

Tuy được vua Tần quý mến, song ông không màng vinh hoa phú quý, luôn nhớ nước, nhớ nhà. Ở quê nhà có mẹ già mong đợi nên ông đã xin về nước. Sau khi ông về, quân Hung Nô lại tràn xuống, vua Tần cho đúc tượng rỗng giống Ông Trọng, bên trong có người điều khiển cho tượng cử động được tay chân rồi đem đặt ở cửa Hàm Dương. Giặc kéo đến trông thấy tưởng Ông Trọng thật, chúng khiếp đảm, tan rã.

Không chỉ là một vị tướng quân giỏi, Lý Ông Trọng còn là người có rất nhiều công lao trong việc diệt trừ thủy quái, khuyến khích người dân làm ruộng, trồng dâu, làm điều lợi, bỏ điều hại, khiến người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Công chúa nước Tần cũng theo về sống với ông tại làng Chèm cho tới khi mất.

Sau khi mất, ông được nhà vua ban là Thượng Đẳng Phúc Thần Duệ hiệu là Hy Khang Thiên Vương, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Chèm và dựng đền thờ ngay tại làng Chèm - nơi ông sinh ra và lớn lên.

Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Nghi môn ngoại là kiểu nghi môn trụ với bốn cột xây cao to, gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn, đỉnh trụ và thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức Thánh Lý Ông Trọng. Nghi môn nội (hay còn gọi là Tàu tượng) là một nếp nhà bốn mái, ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài, các góc uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Nghi môn nội mở 3 cửa lớn có cánh gỗ. Đây là nơi đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình 8 mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Khu vực chính của đình Chèm gồm tòa tiền tế và tòa đại bái, hai tòa nhà này có kết cấu giống nhau và nối với nhau bằng hệ thống xà nách đỡ máng đồng. Mỗi dãy nhà gồm 5 gian, hai chái theo kiểu nhà 4 mái. Nội thất có 6 hàng chân cột gỗ đỡ mái, các cột đều được đặt trên chân tảng đá xanh. Trên các bộ vì ngắn, các bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét chạm mềm mại, trau chuốt, mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Lê - thế kỷ thứ 18. Đây là nơi bài trí hương án và các đồ tế khí quan trọng của đình Chèm, đồng thời cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng hàng năm cũng như trong dịp lễ hội.

Hậu cung đình xây liền với nhà đại bái bằng một nhà cầu nhỏ tại gian giữa, khu hậu cung gồm 3 dãy nhà nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Công”. Nhà ngoài và nhà trong nằm song song với nhau bằng nhà ống muống ở gian giữa. Đây là nơi tôn nghiêm nhất tại đình Chèm, đặt long ngai và tượng thờ của Đức Ông, Đức Bà cao khoảng 3,2m, hai bên là tượng 6 người con của Đức Thánh, còn gọi là Lục vị vương. Trong thánh phả nước Việt, Lý Ông Trọng đứng hàng thứ ba sau Thánh Tản và Thánh Gióng. Đình làng Chèm có lẽ là ngôi đình duy nhất ở nước Nam ta quay hướng về phương bắc. Hình như đó là cách dân Chèm biểu lộ thành ý với bà công chúa sống xa xứ nhưng rất mực yêu chồng và luôn hướng về nơi quê cha đất tổ.

Trải qua ngàn năm ngôi đình là nơi linh thiêng, được nhân dân thờ phụng, tu bổ, dọn lễ dâng tế. Đến năm 864, thời kỳ Bắc thuộc, Cao Biền được cử sang làm An Nam đô hộ có loạn ở Tây Nam, Cao Biền được ông hiển linh báo mộng ban việc trị bình nên rất cảm phục bèn cho sửa lại đình lớn hơn quy mô cũ, tạc gỗ làm tượng, sơn son thiếp vàng gọi là đình Lý Hiệu Úy và cho người cúng tế hàng năm. “Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp/ Ông Trọng từ thâm vân đạm nồng” - Câu thơ trên là của nhà thơ Phạm Sư Mạnh sáng tác khoảng từ năm 1369 - 1370, ca ngợi cảnh đẹp của Đình Chèm.

Kiến trúc cổ kính của ngôi đình (ảnh Thùy Dương).

Kiến trúc cổ kính của ngôi đình (ảnh Thùy Dương).

Là một kiến trúc cổ kính, đình Chèm đã qua nhiều lần tu sửa và xây thêm như hậu cung làm năm Đức Long thứ 3 (1621), tam quan sửa lại năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) và các lần khác vào các năm 1792, 1797, 1885, 1903 và 1913. Một sự kiện đặc biệt trong việc sửa chữa đình này được ghi lại trong tấm bia đình Thụy Phương, đó là nâng toàn bộ ngôi đình lên như kiệu khiêng người, nên gọi là “kiệu đình Chèm” vào năm 1903. Do việc lùi con đê vào phía trong nên đình Chèm nằm ở ngoài đê. Nước lũ lên cao, nếu ngập đình sẽ hư hỏng nặng, mà dỡ đình ra, tôn lên rồi xây lắp lại thì quá tốn kém. Thợ cả Vương Văn Địch, người làng Văn Trì (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) đứng đầu một hiệp thợ đã đưa ra sáng kiến: dùng gỗ làm đà, treo quang bỏ gạch, để kích dần dần toàn bộ ngôi đình lên cao 2,4 mét theo phương pháp đòn bẩy và đã thành công. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Hà Nội tiến hành công việc này bằng phương pháp thủ công.

Với những giá trị tiêu biểu, đình Chèm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.

“Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”

Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội đình Chèm được đánh giá cao khi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, đó là: Hội đình Chèm. Hằng năm, hội làng Chèm diễn ra trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch để tưởng nhớ Ông Trọng. Đây là hội của ba làng: làng Chèm (Thụy Phương), làng Hoàng (Hoàng Xá) và làng Mạc (Mạc Xá). Ca dao Hà Nội có câu: “Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”.

Lễ rước mở đầu là một nghi thức trang trọng. Dân ba làng cử ra đoàn thuyền rước nước, mỗi thuyền có một chóe nước để tắm cho Đức Ông (Ông Trọng) và Đức Bà (vợ Ông Trọng) và ông Sứ (Nguyễn Văn Chất). Ba chiếc thuyền đi rước nước hành hương xuôi theo dòng sông Hồng. Đến khu vực “Thác Bạc” ngang làng Bạc (Thượng Thụy, Phú Thượng, nay thuộc quận Tây Hồ) thì cho thuyền xoay ba vòng, rồi một ông lão lấy gáo đồng múc nước giữa dòng cho vào các chóe bằng sứ cổ trong tiếng hò reo, tiếng hô “ù, óe” vang động mặt sông. Thuyền quay trở về đến bến Ngự - nhà Mã, đưa nước lên kiệu Đức Ông, Đức Bà cùng với đoàn rước hộ tống về đình làm lễ mộc dục (tắm tượng).

Khi đưa về đình, nước được rước vào hậu cung để ngày 15 dùng làm lễ Mộc Dục. Sau 3 ngày khi mọi nghi thức tế lễ đã hoàn thành, lễ thả chim câu được thực hiện vào chính giờ Ngọ (12 giờ) để cầu siêu cho các linh hồn tử sĩ và cầu bình an cho dân chúng.

Lễ hội đình Chèm. (Ảnh: An Khang)

Lễ hội đình Chèm. (Ảnh: An Khang)

Lễ hội được tổ chức ngoài phần lễ còn có phần hội, với những hội thi và các trò chơi truyền thống được diễn ra trong cả 3 ngày như: Thi làm chè kho. Chè kho là sản phẩm đặc biệt của lễ hội Đình Chèm bởi nó gắn với lễ hội chay chỉ có chè kho, xôi trắng, hương hoa, quả được người dân trong làng cung kính dâng lên lễ thánh. Điều này thể hiện được sự tinh khiết thanh tao và khát vọng hòa bình của người dân xã Thụy Phương nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Ngoài ra, lễ hội còn có thi bơi, thi vật, thi bắt vịt nước, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật, giao lưu văn nghệ hát quan họ giữa các làng, để lại nhiều ấn tượng với du khách thập phương.

Lễ hội đình Chèm là sự kết hợp chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ thành hoàng làng với tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp thông qua lễ rước nước, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, kết nối tinh thần đoàn kết các làng xã với nhau và cũng là cách thức giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa một cách sinh động, thiết thực.

Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa cũ, nếp sinh hoạt xưa của một làng Việt cổ và ngôi đình cổ kính bên bờ sông Hồng.

Hiện đình Chèm còn lưu giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn phong thần cho ngài Lý Ông Trọng, 4 tấm bia đá, trong đó có 1 tấm thời Lê Cảnh Hưng và 3 tấm thời Nguyễn, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn. Đặc biệt là hệ thống máng đồng là di vật độc đáo, hiếm có ở các di tích khác, có niên đại thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao.

Đọc thêm