Lưu giữ “hồn Việt” từ những món ăn
Chiều ngày cuối năm, Đặng Kiều My vừa thu xếp lại đồ đạc sau một thời gian liên tục làm việc, đi lại khắp 11 nước trên thế giới. My cho biết, tối nay, cô dự định sẽ làm đồ ăn Việt.
Hai mươi bảy tuổi nhưng Kiều My đã có nhiều năm học tập, làm việc ở các công ty lớn trên thế giới như: Quỹ đầu tư Blackstone - London (Anh), Lafayette RE LLC New York (Mỹ) và hiện cô làm việc ở Paris (Pháp). Cô gái sinh năm 1996 thông thạo bốn ngoại ngữ Pháp, Anh, Việt và Đức, ngoài thời gian làm tư vấn chiến lược cho Boston Consulting Group, top 3 công ty tư vấn chiến lược lớn nhất trên thế giới, Kiều My còn làm chủ kênh Youtube Kieumysway sở hữu hàng chục nghìn lượt theo dõi và một kênh Podcast mang tên “Chị ơi!”.
|
Kiều My có kinh nghiệm làm việc tại nhiều nước trên thế giới. (Nguồn ảnh: NVCC). |
Gặp gỡ Kiều My, không ai nghĩ cô chỉ sống ở Việt Nam vỏn vẹn 10 năm, bởi My có vốn từ vựng uyển chuyển, lưu loát và sự am hiểu khá sâu sắc về văn hóa Việt. My chia sẻ, thời đi học, cô chỉ nói tiếng Pháp ở trường, còn khi về nhà, cô sử dụng hoàn toàn tiếng Việt để giao tiếp với bố mẹ. Sau này, Kiều My trở về Việt Nam với gia đình và sống một thời gian khá dài trước khi tiếp tục học ở Trường Đại học HEC Paris, một trong những trường kinh tế hàng đầu của Pháp.
My cho biết: “Tôi luôn nói với tất cả mọi người, tôi là người Việt Nam. Dù đi đâu, về đâu, tôi cũng là người Việt da vàng, tóc đen”. Để lưu giữ “hồn cốt” của người Việt, ngoài tiếng nói, My có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều người Việt ở Pháp và tất cả những nơi cô từng sinh sống. Điều đặc biệt nhất, Kiều My luôn nấu những món ăn Việt mỗi ngày. Đối với My, chỉ cần một bát cơm với đĩa rau luộc, miếng thịt chấm nước mắm đã là “mỹ vị”.
Mỗi năm, khi Tết đến, xuân về, My đều cố gắng tạm dừng công việc, xin nghỉ phép để về Việt Nam thăm gia đình: “Đó là lúc, tôi cảm thấy được về nhà. Về với ngôn ngữ của tôi, về với căn bếp của mẹ, với cái ôm của bố, cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm áp”. Mẹ của Kiều My thường hỏi, cô muốn ăn gì, đi chơi đâu?
Hạnh phúc nhất khi Kiều My được đón Tết cổ truyền là: “Tôi thường bảo mẹ, con chỉ muốn ở nhà ăn cơm mẹ nấu, ở bên bạn bè và trò chuyện cùng các cô dì, chú bác”. Đối với My, Tết đơn giản và giản dị lắm, chỉ cần được ngồi quây quần bên mâm cơm, bên người thân, có dưa muối, cà muối, canh chua, chút kho quẹt, chút thịt luộc, khoanh giò nhỏ vậy là trọn vẹn rồi… Quả đúng như ai đó bảo rằng, càng đi xa, càng đi nhiều lại càng thấy nhớ quê hương, trân quý bữa ăn đoàn viên, bữa cơm gia đình.
Trở về và khao khát được cống hiến
|
Mong muốn của Kiều My là sớm trở về Việt Nam để cống hiến cho nước nhà. (Nguồn ảnh: NVCC) |
Càng trưởng thành, Kiều My càng khao khát được trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước của mình. Bắt đầu từ việc lập kênh Youtube Kieumysway, kênh của cô phần lớn là các video hỗ trợ những người trẻ Việt Nam định hướng nghề nghiệp, phát triển năng lực bản thân.
My chia sẻ, ngành tư vấn chiến lược trên thế giới đang rất phát triển, tại Việt Nam cũng đã bắt đầu có sự đầu tư của một số công ty lớn. Rất nhiều sinh viên ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương… thường nhắn tin xin cô lời khuyên theo đuổi ngành nghề này: “Đây là một ngành nghề tương đối khó, vì vậy, tôi luôn cố gắng hết mức để hỗ trợ sinh viên ở Việt Nam khi các em đặt câu hỏi”.
Ngoài ra, Kiều My cùng hai người bạn thành lập kênh Podcast “Chị ơi!” hướng đến những người Việt sống ở nước ngoài và học sinh, sinh viên có ý định du học. Mỗi tập, cô và cộng sự chia sẻ những nỗi niềm của người trẻ ở “trời Tây”, ví dụ như sự hoang mang về giá trị gia đình, tình bạn, tình yêu. Cô cho biết: “Khi ở lứa tuổi mười tám, hai mươi, tôi có rất nhiều câu hỏi về giá trị gia đình ở nước ngoài và Việt Nam, vì đây là hai nền văn hóa khác nhau. Tôi muốn chia sẻ điều này, để những người Việt sống ở nước ngoài hiểu rằng họ không cô đơn, chúng tôi sẽ luôn ở bên họ”.
Trong ba năm gần đây, Kiều My trở về Việt Nam nhiều hơn, mỗi lần về, cô lại tích cực tham gia vào các hoạt động, dự án giúp đỡ trẻ em và thanh, thiếu niên Việt Nam. Kiều My chia sẻ một kỷ niệm làm cô cảm động nhất, vào năm 2021, cô trở về Việt Nam trong 9 tháng, My đã tham gia một dự án do tổ chức phi chính phủ Blue Dragon Children’s Foundation chuyên hỗ trợ những trẻ em cơ nhỡ, các em nhỏ bị buôn bán ra nước ngoài. Tại đây, My đã làm cô giáo dạy chữ, trong lớp cô có một chàng trai người Mông dù đã 20 tuổi, nhưng vẫn chưa biết đọc, viết. Sau một thời gian học cùng My, chàng trai Mông đã có thể đọc thông, viết thạo.
|
Kiều My lưu giữ văn hóa Việt từ những món ăn. (Nguồn ảnh: NVCC) |
Ngoài ra, cô thường xuyên được mời đến các buổi talksow, workshop chia sẻ kinh nghiệm làm việc, du học và sinh sống ở nước ngoài. Kiều My cho biết, Việt Nam hiện nay đã “chuyển mình” trở thành nền kinh tế đa dạng, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân được nâng cao rõ rệt về mức sống và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều công ty nước ngoài đang dự định đầu tư vào Việt Nam. Kiều My nói: “Trong chuyến đi công tác ở Mỹ gần đây, khi trao đổi với một số công ty lớn, họ chia sẻ với tôi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển lâu dài, họ rất mong muốn được đầu tư”.
Theo Kiều My, đây là một cơ hội cho người trẻ Việt Nam phát huy khả năng của mình. Đồng thời, những người Việt sống ở nước ngoài như cô có thể trở về để cống hiến cho Tổ quốc. Cô xúc động chia sẻ: “Mỗi lần quay lại Việt Nam, tôi đều tìm được sự “an” ở trong tâm hồn của mình. Tôi định hình được bản thân là ai trong thế giới rộng lớn này. Tôi hy vọng sẽ sớm trở về Việt Nam dùng kinh nghiệm, kiến thức mình đã học hỏi được để phát triển đất nước, quê hương. Dù đi đâu, về đâu, tôi vẫn luôn là người Việt Nam, ăn những món ăn Việt, suy nghĩ như người Việt và dành trọn vẹn trái tim cho Tổ quốc của mình”.
“Mỗi lần quay lại Việt Nam, tôi đều tìm được sự “an” ở trong tâm hồn của mình. Tôi định hình được bản thân là ai trong thế giới rộng lớn này. Tôi hy vọng sẽ sớm trở về Việt Nam dùng kinh nghiệm và kiến thức mình đã học hỏi được để phát triển đất nước, quê hương”, Kiều My chia sẻ.