Thiết kế trang phục dân tộc: Sáng tạo nhưng cần tôn trọng bản sắc văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bộ trang phục dân tộc mới “trình làng” gần đây không nhận được nhiều cảm tình của công chúng. Bởi thay vì nâng tầm vẻ đẹp trang phục Việt, các thiết kế này lại gây ra tranh cãi về tính thẩm mỹ, tính ứng dụng và nhiều vấn đề khác.

Những thiết kế gây tranh cãi

Nhiều bộ trang phục dân tộc do các thí sinh trình diễn trong các cuộc thi nhan sắc đã gây tranh cãi trong dư luận. Mới đây là trang phục của thí sinh Hoàng Đức Trung, đại diện Việt Nam tại cuộc thi Mister Altitude World 2023. Thiết kế do Huỳnh Huấn thực hiện, lấy ý tưởng từ Cơm tấm Sài Gòn. Trang phục lấy màu trắng làm chủ đạo, với phần vải lông tua rua ở phần vai, phần dưới là mảnh vải trắng quấn như váy. Phần bụng để hở, phần ngực che bằng hình ảnh đĩa cơm tấm “tả thực” với các thành phần cơm, sườn, bì, chả, trứng, dưa leo, cà chua...

Thiết kế còn có thêm nón lá và phần chữ Việt Nam lớn hình vòng cung đính trên vai.

Trang phục dân tộc với chủ đề “Cơm tấm Sài Gòn”. (Ảnh BTC)

Trang phục dân tộc với chủ đề “Cơm tấm Sài Gòn”. (Ảnh BTC)

Trang phục nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít lời chê về tính thẩm mỹ, bởi ý tưởng “cơm tấm” không quá đặc sắc và các bộ phận thiếu liên kết với nhau, tạo thành một tổng thể rời rạc, thậm chí có phần... kì quặc.

Thời gian qua dường như có một “phong trào” trang phục dân tộc thiết kế từ cảm hứng ẩm thực Việt. Từ cà phê phin Việt Nam, nghề dệt chiếu, lục bình... đến những thứ tưởng “không liên quan” đến phục trang như nước mắm Phú Quốc, cua Cà Mau, Phở... cũng trở thành ý tưởng thiết kế “trang phục dân tộc”.

Đáng nói là nhiều thiết kế lại dùng cách “tả thực”, thậm chí trang phục cua Cà Mau ngoài màu sắc đặc trưng của cua luộc còn gắn thêm... hai chiếc càng cua lên hai cánh tay thí sinh. Hay trang phục chiếu Cà Mau gắn cả chiếc chiếu lên người thí sinh, trang phục Phở đưa hình tô phở lên trang phục với bánh phở, thịt bò...

Cần nâng tầm thiết kế trang phục dân tộc

Nhiều ý kiến còn cho rằng, mục đích của những thiết kế gắn món ăn vào trang phục dân tộc không phải để chinh phục khán giả mà để tạo tranh cãi, tạo độ “viral” trên mạng xã hội cho cả thí sinh lẫn cuộc thi.

Như cách đây không lâu, bộ trang phục do thí sinh Thạch Kiêm Mara trình diễn ở cuộc thi Mister Global cũng gây bàn tán sôi nổi trên mạng. Ý tưởng trang phục được đánh giá “khá hay” khi phỏng dựng theo trang phục vua thời Lý với các chi tiết như áo dài Giao Lĩnh, váy, đai, tấm phủ, nón..., nhưng về mặt tổng thể lại bị nhiều ý kiến đánh giá thiếu tinh tế, không toát lên được bản sắc của trang phục dân tộc Việt.

Hay mới đây, chiếc áo dài của nhà thiết kế Phương Hồ với chiều dài hơn 220m dù được trao Kỷ lục Việt Nam nhưng cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Chiếc áo được đặt tên Non sông gấm vóc, nhằm giới thiệu và quảng bá danh thắng Việt Nam. Áo dài dài 220,6m, nặng gần 250kg, sử dụng 410m vải taffeta, 50m tơ óng, 380 dây viền kết đá, 100 cuộn len đũa và len xù, 300 viên đá lớn, hàng trăm lá sen voan, hàng trăm cánh sen gấm, tà áo dài 220,6m có hình vẽ tay, thêu tay cùng hàng triệu hạt pha lê đính kết thủ công...

Nhiều ý kiến cho rằng, chiếc áo dài tuy đạt kỉ lục, nhưng chưa hẳn đã nâng tầm vẻ đẹp áo dài Việt mà chỉ đơn giản là dùng những chất liệu cầu kì, kích thước lớn để gây ấn tượng. Một số ý kiến còn cho rằng những trang phục “lấy kỉ lục”, tương tự như nhiều lĩnh vực khác, sẽ gây ra sự lãng phí.

Thực tế, mặc dù nhiều thiết kế trang phục dân tộc được ra mắt gần đây nhưng để chinh phục công chúng một cách thực sự bằng sáng tạo, đổi mới, bằng sự tôn vinh bản sắc văn hóa thì rất hiếm hoi.

Trong khi đó, thiết kế trang phục dân tộc đi cùng sự tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam là một trong những hướng đi hợp lý nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đất nước, quảng bá văn hóa Việt ra quốc tế. Theo các chuyên gia, để nâng tầm và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam trong thiết kế trang phục dân tộc, nhà thiết kế cần nghiên cứu một cách nghiêm túc kỹ lưỡng về các trang phục truyền thống của các dân tộc trong nước. Sự hiểu biết sâu sắc về các yếu tố văn hóa, lịch sử và ý nghĩa của từng trang phục sẽ giúp tạo ra những thiết kế đúng nguyên tắc và phù hợp.

Cạnh đó, hiện nay nhiều thiết kế lấy tiêu chí “kết hợp hiện đại và truyền thống”, nhưng thực ra lại cách tân sai cách, phá vỡ các tiêu chí trang phục dân tộc. Theo các chuyên gia, cần chú ý sử dụng những đường cắt, kiểu dáng và chất liệu hiện đại để cập nhật và đem lại sự mới mẻ, nhưng vẫn giữ được bản sắc và đặc trưng của trang phục truyền thống.

Đồng thời, thay vì lạm dụng hình ảnh ẩm thực hoặc lối thiết kế cầu kì, có thể tập trung sáng tạo trong phom dáng và màu sắc để thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam. Sử dụng các đường nét truyền thống, họa tiết, hoặc kỹ thuật thêu cổ truyền để tạo ra những trang phục độc đáo và đẹp mắt. Tăng cường lựa chọn chất liệu tự nhiên, bền vững và thân thiện với môi trường để tạo ra những trang phục dân tộc chất lượng cao, sử dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và gia công để bảo đảm chất lượng và tính hiện đại của sản phẩm.

Đọc thêm