Về với thiên nhiên - Liều thuốc chữa lành cho trẻ nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa hè là thời điểm lý tưởng để cho con kết nối với thiên nhiên và tham gia vào các hoạt động ngoài trời. Điều này mang lại nhiều lợi ích vượt trội về sức khỏe thể chất, phát triển tư duy và nhất là hoàn thiện cảm xúc cũng như chiều sâu tâm hồn trẻ.
Tương tác với thiên nhiên giúp trẻ hoàn thiện sức khỏe, kĩ năng sống, cảm xúc, chữa lành tinh thần...
Tương tác với thiên nhiên giúp trẻ hoàn thiện sức khỏe, kĩ năng sống, cảm xúc, chữa lành tinh thần...

Vì sao nên cho trẻ “về với thiên nhiên”

Dịp hè đến, các bậc phụ huynh thường lên nhiều kế hoạch cho việc học tập, giáo dục kĩ năng cho trẻ vào hè, rồi việc đi chơi những đâu, giải trí những gì... Tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng mà nhiều người chưa chú ý đến, đó là cho trẻ kết nối với thiên nhiên. Mỗi người nói chung, mà nhất là trẻ thơ, không chỉ cần đến thực phẩm, dinh dưỡng, cơ sở vật chất hay giáo dục, mà môi trường và tự nhiên có một vai trò cực kì quan trọng trong sự phát triển thể chất và hình thành nhân cách.

Từ những năm 90, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những nghiên cứu để chứng minh sự khác biệt về thể chất, tinh thần của việc sống tách biệt thiên nhiên hoặc kết nối với thiên nhiên. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những gia đình có cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh thường sống hòa thuận và ít mâu thuẫn hơn, trẻ con năng động, mạnh khỏe, phát triển toàn diện hơn những gia đình sống trong không gian kín.

Theo các chuyên gia y tế, về mặt thể chất, sự tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cung cấp vitamin D cho sự phát triển của xương và hệ miễn dịch. Vui chơi ngoài trời cũng cho phép trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn chơi trong nhà, có khả năng đốt cháy nhiều calo hơn và đóng góp tích cực vào thể chất tổng thể của trẻ.

Về phát triển trí tuệ và tư duy sáng tạo, thiên nhiên là nguồn học vô tận. Việc trẻ em tìm hiểu về cây cỏ, loài động vật và quan sát các hiện tượng tự nhiên giúp phát triển khả năng quan sát, tư duy logic và tăng cường trí tuệ tự nhiên của trẻ. Hoạt động ngoài trời cũng cung cấp cho trẻ cơ hội sáng tạo và khám phá. Về mặt cảm xúc, môi trường thiên nhiên yên tĩnh và trong lành giúp trẻ thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng. Hoạt động ngoài trời như đi dạo trong công viên, ngắm cảnh hoặc thả mình giữa thiên nhiên giúp tinh thần của trẻ được làm mới, nâng cao tinh thần lạc quan và tạo cảm giác hạnh phúc.

Không chỉ thế, các hoạt động nhóm ngoài trời như trò chơi đội, cắm trại, leo núi, đi bơi... tạo cơ hội cho trẻ xây dựng kỹ năng xã hội, học cách làm việc nhóm và tạo mối quan hệ mới.

Trong khi tham gia vào các hoạt động ngoại khóa cùng gia đình sẽ giúp con trẻ củng cố tình cảm và gắn kết gia đình sâu sắc hơn, cha mẹ cũng có cơ hội quan sát, tìm hiểu những sở thích, mong muốn, tiềm năng của trẻ.

Những năm gần đây, nhiều gia đình tại các đô thị lớn ở Việt Nam đã bắt đầu có những nhận thức mới về việc cho trẻ em kết nối, học hỏi nhiều hơn từ môi trường tự nhiên. Chị Bùi Thị Kim Dung, ngụ phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ngành điện tự động, mẹ của hai cô con gái nhỏ chia sẻ: “Mình luôn xác định, trẻ con sẽ phát triển tốt nhất khi thường xuyên được hoạt động ngoài trời,

kết nối với thiên nhiên. Thế nên, thay vì đi du lịch thông thường, cả nhà thường tổ chức đi dã ngoại để kết hợp cho con rèn luyện, đó là các hoạt động cắm trại tại thác, suối, ven hồ, đi leo núi... Trong mỗi chuyến đi, con sẽ được đặt ra mục tiêu, sử dụng không chỉ sức khỏe mà toàn bộ kĩ năng để đạt mục tiêu ấy. Ví dụ chuyến leo núi Chứa Chan, suốt quá trình di chuyển, con phải vận dụng đầu óc, leo như thế nào để không bị trượt ngã lúc trời mưa, làm sao để phân bổ sức lực khi quãng đường phải di chuyển tầm 3 giờ đồng hồ... Trong các chuyến đi, con cũng học được nhiều điều khác như các phân biệt núi đồi, sông hồ, địa chất mỗi vùng hay các loại cỏ cây, các con vật. Cạnh đó, con cũng thêm yêu thiên nhiên, có tinh thần và ý thức bảo vệ môi trường sống thông qua các hoạt động trồng cây, nhặt rác...

Các con mình giờ có thể chơi dưới trời nắng liên tục mà chẳng cần mũ nón, hoặc có thể tắm mưa thoải mái, chịu lạnh giỏi và sức đề kháng cực kì tốt, nhanh nhẹn, lạc quan, yêu đời”.

Mùa hè này, chị Nguyễn Thị Thu, công nhân nhà máy tại KCN Mỹ Phước đã xin nghỉ 10 ngày để đưa con về quê ngoại tại Thanh Hóa trải nghiệm. Chị Thu chia sẻ, thay vì đưa con đi du lịch tốn kém, chị cho con về quê ngoại, một ngôi làng ven thị xã Nghi Sơn để con vui chơi, được đi tắm biển, cùng bà ngoại đi hái rau, nhổ lạc trên cánh đồng, thả diều với bạn bè. “Hè năm nào cũng vậy, các con không lên quê nội ở vùng núi đồi Đơn Dương thì về quê ngoại ở vùng biển. Luôn được tắm mình trong thiên nhiên nên các con rất linh động, khỏe mạnh, có nhiều kĩ năng hơn một số bạn bè đồng trang lứa”.

“Chữa lành” cho trẻ có vấn đề về tâm lý

Các nhà nghiên cứu của Đại học Queensland-Úc đã tiến hành khảo sát 1538 người ở độ tuổi từ 18-70 tuổi về các thói quen hàng tuần và đánh giá sức khỏe thể chất và tinh thần của những người tham gia. Kết quả cho thấy những khoảng thời gian được hòa mình vào không gian xanh như công viên, đồng quê… đã đem lại sức khỏe tâm thần, thể chất của những người tham gia. Nghiên cứu cho thấy, mỗi tuần dành khoảng 30 phút để dạo chơi công viên sẽ giảm 7% trường hợp trầm cảm và giảm 9% trường hợp tăng huyết áp.

Chị Kim Dung thường đưa con ra bãi cỏ trong chung cư dã ngoại “tại chỗ” mỗi khi chưa có dịp đưa con đi chơi xa.

Chị Kim Dung thường đưa con ra bãi cỏ trong chung cư dã ngoại “tại chỗ” mỗi khi chưa có dịp đưa con đi chơi xa.

Một nghiên cứu khác tại Nhật Bản quan sát và so sánh giữa nhóm người đi dạo giữa trung tâm thành phố và môi trường thiên nhiên. Nhóm người đi dạo giữa thiên nhiên có nhịp tim chậm và ổn định hơn, mang tâm trạng tốt và ít căng thẳng hơn.

Đi sâu vào tác động của tự nhiên đối với việc chữa lành tâm lý trẻ, một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng tăng động giảm chú ý, trầm cảm và rối loạn lo âu ở trẻ. Các chuyên gia đã làm những thử nghiệm như cho trẻ có vấn đề về tâm lý thử một số hoạt động đơn giản như xem rùa bò trên mặt đất, ngắm ốc sên ăn lá cây hay đếm hạt mưa rơi... cũng giúp trẻ này lắng lại, giảm bớt một số xung động tiêu cực của não bộ.

Có thể thấy, việc kết nối với thiên nhiên có tác dụng rất tốt đối với trẻ, đặc biệt là phần nào có hiệu quả chữa lành đối với những trẻ mắc các hội chứng về tâm lý, tinh thần. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh thường lo lắng không biết làm cách nào để con có thể vui chơi trong môi trường tự nhiện, nhiều áp lực về sự tốn kém thời gian, tốn kém tiền bạc hoặc thiếu an toàn. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, việc cho trẻ về với thiên nhiên không quá nghiêm trọng, phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ.

Những gia đình có điều kiện có thể đưa con đi du lịch, dã ngoại, leo núi, tắm biển, hoặc tham gia các khóa học ngoài trời với chi phí cao. Một số gia đình có điều kiện thích hợp cũng có thể đưa con về quê nội, ngoại để vui chơi vào các kì nghỉ hay dịp hè. Còn lại, nếu cha mẹ bận rộn, kinh tế chưa dư dả vẫn có khả năng cho con những cuộc vui chơi giữa thiên nhiên giản đơn mà đầy hữu ích. Có thể cho con đi chơi vào công viên vào buổi tối hay cuối tuần, nhiều gia đình cũng có thể cho con “dã ngoại tại chỗ” ở các bãi cỏ, công việc trong khuôn viên chung cư, gần nhà...

Ngoài ra, thiên nhiên có mặt ở khắp mọi nơi, trẻ có thể được hướng dẫn những trò chơi như đào đất, ngắm nhìn những đám mây, nhảy trong vũng nước, nghe chim hót, gieo trồng hoa, rau trước hiên, trong ban công nhà., quan sát đời sống vật nuôi... Quan trọng là cha mẹ bảo đảm cho con được an toàn, dạy cho con một số kiến thức và kĩ năng để con trẻ trong khi kết nối với thiên nhiên nhận được những giá trị cho chính bản thân mình.

Thiên nhiên là người thầy vĩ đại, là liều thuốc chữa lành tuyệt vời cho cả người lớn và trẻ con. Trẻ biết sống chung hòa thuận với tự nhiên, yêu thiên nhiên chắc chắn sẽ là đứa trẻ khỏe mạnh, hiểu biết, nhân hậu, có tâm hồn, có nhiều chất liệu để sống hạnh phúc, bình yên hơn.

Đọc thêm