Theo Financial Times, doanh nghiệp dầu khí quốc gia PDVSA sẽ phải trả khoản vay trái phiếu kỳ hạn 4 năm trị giá 842 triệu USD vào ngày 27/10 và 1,12 tỷ USD vào ngày 2/11 tới. Cả hai khoản vay này đều không được gia hạn, đồng nghĩa với việc nếu chậm thanh khoản, Venezuela sẽ vỡ nợ và các nhà đầu tư có thể yêu cầu quốc gia này ngay lập tức trả mọi khoản vay.
Dồn lực
Bloomberg cho biết dù các nhà đầu tư trái phiếu không muốn kịch bản này diễn ra, song những người nắm giữ hợp đồng rủi ro tín dụng (CDS) sẽ yêu cầu Hiệp hội Quốc tế về Hoán đổi và Phái sinh (ISDA) tuyên bố Venezuela vỡ nợ để họ có thể nhận được các khoản đền bù theo hợp đồng.
Trong khi đó, CNBC đưa tin cho biết những lo ngại về nguy cơ quốc gia Mỹ Latinh này vỡ nợ bởi Venezuela đã lỡ hạn trả khoản nợ lớn hồi cuối tuần qua, với tổng giá trị hai loại trái phiếu lên tới 237 triệu USD. Tuy nhiên, CNBC cũng cho rằng Venezuela có thể đang tìm cách bảo toàn tất cả các nguồn tài chính để dồn lực chi trả khoản vay đáo hạn ngày 27/10.
Ecoanalitica, một viện nghiên cứu chính sách của Venezuela đã trấn an giới đầu tư bằng tuyên bố trên trang Twitter hôm 24/10 rằng quốc gia này có đủ dự trữ để thanh khoản khoản vay ngày 27/10. Ông Russ Dallen, quản lý chi nhánh Caracas của tổ chức Capital Markets trao đổi với CNBC: “Tôi cho là những người có liên quan tới các khoản vay nợ của Venezuela đều chẳng thể làm gì khác ngoài lo lắng, ngoại trừ những người có hợp đồng hoán đổi rủi ro. Cuối tuần này, những nhà đầu tư hoặc buôn bán trái phiếu sẽ ăn mừng, hoặc các nhà quản lý quỹ sẽ hết sức đau đầu”.
Tổ chức Eurasia cũng cho rằng Venezuela có thể hoàn thành hai nghĩa vụ thanh toán vào cuối tuần này và đầu tháng 11 dù họ rõ ràng “thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tài chính ngày càng gia tăng do các đòn trừng phạt của Mỹ”. Theo một số nhà phân tích Venezuela sẽ cố kéo dài thời gian sang năm 2018 nếu thấy xu hướng giá dầu tăng tiếp diễn. Các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định: “Venezuela vẫn luôn cố gắng trả các khoản nợ đáo hạn (và thậm chí còn nỗ lực nhiều hơn) khi hứng chịu các đòn trừng phạt như hiện nay… Xét cho cùng, vỡ nợ có thể sẽ là cái giá quá đắt đối với nền công nghiệp dầu mỏ, gần như là nguồn thu ngoại tệ chính của Venezuela, khiến nền kinh tế vốn đang lao đao trở nên tồi tệ hơn”.
Còn nhiều lo ngại
Tuy nhiên, dù Venezuela có thể hoàn thành hai nghĩa vụ quan trọng này đi chăng nữa thì giới chuyên gia vẫn chưa hết lo ngại. Theo Financial Times, Venezuela và PDVSA sẽ tiếp tục đối mặt với hàng khoản trả lãi suất nhỏ hơn trong hai tháng tới, đồng nghĩa với tổng số vay nợ phải trả tính tới cuối năm nay là 3,5 tỷ USD. Ngân hàng trung ương Venezuela cho biết hiện họ có khoảng 10 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, dù hầu hết đang được giữ dưới dạng vàng.
Nhà phân tích Luisa Palacios, hiện làm việc cho Medley Global Advisors, một công ty thuộc Financial Times, bình luận trong một nghiên cứu gần đây: “Chúng tôi lo ngại rằng Venezuela không hoàn toàn hiểu hết tình trạng và những khó khăn tài chính của mình, và họ luôn tin rằng họ có thể làm được bởi họ đã từng vượt qua trong quá khứ… Tuy nhiên, hai tháng tới mới là thời gian thử thách thực sự, trả được hay không, hệ quả đối với nền kinh tế nội địa sẽ rất tồi tệ”. Theo bà Palaciois, có vẻ như “quốc gia này không đủ tiền để trả khoản nợ 3,5 tỷ USD trong vòng hai tháng”, vì vậy sẽ tìm cách kéo dài thời hạn thanh khoản trên nguyên tắc 30 ngày gia hạn.
Venezuela tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp từ phía Nga. Hai nước dự kiến ký kết thỏa thuận tái cơ cấu nợ trước cuối năm nay, song chi tiết việc liệu Venezuela có vay thêm các khoản tiền mới từ Nga hay không không được công bố. Nếu Venezuela vỡ nợ, không chắc các nhà đầu tư sẽ lựa chọn giải pháp tái cơ cấu nợ, mà có thể sẽ cho quốc gia Mỹ Latinh này có thêm thời gian, thay vì tiến hành các cuộc đàm phán dẫn tới việc số trái phiếu họ nắm giữ bị giảm giá trị.
Financial Times dẫn lời các nhà kinh tế cho rằng cuộc vỡ nợ của Venezuela sẽ phức tạp và khó giải quyết hơn nhiều so với những gì từng diễn ra tại Argentina vào năm 2001...